Kho bạc Nhà nước tăng mua ngoại tệ, bơm mạnh VND ra thị trường

Kho bạc Nhà nước tăng mua ngoại tệ, bơm mạnh VND ra thị trường

Kho bạc Nhà nước (KBNN) vừa thông báo nhu cầu mua ngoại tệ từ ngân hàng thương mại ở đợt chào 08/ĐTNT-2021.

Khối lượng dự kiến chào mua đợt này là 250 triệu USD; loại hình giao dịch là giao dịch giao ngay; ngày giao dịch là 10/11/2021; ngày thanh toán dự kiến là 12/11/2021.

Lần liền trước, ngày 8/10/2021, KBNN cũng đã thực hiện chào mua và giao dịch thành công với quy mô 150 triệu USD.

Với đối tượng giao dịch là các ngân hàng thương mại (bên bán), qua những đợt chào mua trên KBNN đã bơm ra thị trường qua hệ thống ngân hàng lượng VND khá lớn và tức thời (qua phương thức giao ngay). Như với đợt chào mua thanh toán vào ngày 12/11 tới, quy mô VND bơm ra tương ứng với khoảng 5.662 tỷ đồng (tính theo mức giá mua vào của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước).

Ở đợt chào mua này, KBNN đã giảm thiểu được chi phí đáng kể khi Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định giảm mạnh giá mua vào USD từ ngày 5/11 vừa qua, và tỷ giá USD/VND lập tức bắt nhịp và bám sát bước giảm này.

Cùng với KBNN, một số thành viên tham gia thị trường liên ngân hàng ước tính Ngân hàng Nhà nước cũng vừa mua ròng khoảng 1,3 tỷ USD, tương ứng với gần 30.000 tỷ đồng cung ứng ra thị trường.

Như BizLIVE thông tin thời gian qua , những giao dịch trên cùng với bước điều chỉnh của tỷ giá diễn ra trong bối cảnh các nguồn ngoại tệ dồn dập chảy về Việt Nam, ngay cả nguồn kiều hối vẫn khả quan trong đại dịch, nguồn vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài, và đặc biệt là nguồn ngoại tệ vay thương mại của doanh nghiệp và các ngân hàng tăng cao trong bối cảnh lãi suất trên thị trường thế giới ở mức thấp.

Ngày 5/11 vừa qua, Chính phủ cũng đã có quyết định điều chỉnh kế hoạch vay trả nợ trong năm 2021, trong đó hạn mức vay thương mại nước ngoài trung, dài hạn của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả tối đa được tăng lên 7 tỷ USD (tăng 650 triệu USD so với trước); tốc độ tăng dư nợ nước ngoài ngắn hạn cũng được tăng lên khoảng 25% so với dư nợ tại thời điểm 31/12/2020 (trước đó là 18%-20%).