Lâm Đồng đề xuất chuyển đổi hàng trăm ha rừng làm cao tốc hơn 11.000 tỷ đồng

Lâm Đồng đề xuất chuyển đổi hàng trăm ha rừng làm cao tốc hơn 11.000 tỷ đồng

Mới đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng thực hiện thẩm định hiện trạng rừng ở TP. Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm, Di Linh và Đức Trọng để lập thủ tục chuyển mục đích sử dụng. Để giải phóng mặt bằng xây dựng cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương, tỉnh Lâm Đồng dự kiến chuyển đổi 486 ha rừng sang mục đích khác.

Việc chuyển đổi rừng để thực hiện dự án cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương và dự kiến khởi công dự án trong năm 2022. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành điều tra, kiểm kê tài nguyên rừng với diện tích 486ha. Trong đó, đất quy hoạch lâm nghiệp rừng sản xuất là 8,49ha và đất ngoài quy hoạch lâm nghiệp là 477,51ha.

Trên diện tích đất có rừng phải chuyển đổi mục đích, tỉnh Lâm Đồng thống kê có trữ lượng gỗ 247m3, toàn bộ là rừng trồng gỗ núi đất gồm thông 3 lá trồng năm 2002 và thông Caribe trồng năm 2017.

Cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương thuộc dự án thành phần của tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, kết nối cao tốc Liên Khương – Prenn của tỉnh Lâm Đồng với cao tốc Dầu Giây – Long Thành – Thành phố Hồ Chí Minh.

Cụ thể, cao tốc Dầu Giây – Liên Khương được chia làm 3 đoạn. Trong đó, gồm có đoạn Dầu Giây – Tân Phú do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, thực hiện bằng ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, hai đoạn Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương do tỉnh Lâm Đồng làm chủ đầu tư, thực hiện theo phương thức đối tác công tư.

Cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương dài 73 km, quy mô đầu tư giai đoạn phân kỳ là 4 làn xe, có nền đường rộng 17 m, giai đoạn hoàn chỉnh chiều rộng nền đường là 24,75 m. Theo dự kiến, dự án sẽ xây dựng trong khoảng 24 tháng và thông xe trong năm 2025. Thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án là khoảng 20 năm.

Dự án đi qua TP. Bảo Lộc và các huyện Di Linh, Đức Trọng thuộc tỉnh Lâm Đồng. Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ khoảng 11.300 tỷ đồng, theo phương thức đối tác công tư. Trong đó, 1.500 tỷ đồng là vốn địa phương tỉnh Lâm Đồng và hơn 7.000 tỷ đồng còn lại là vốn do nhà đầu tư huy động.

Tuyến cao tốc dự kiến hoàn thành cùng lúc với tuyến cao tốc Dầu Giây – Tân Phú và cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc. Khi đó, dự án tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương chính thức hoàn thiện, giúp giảm áp lực lên quốc lộ 20. Quan trọng là đoạn đường cao tốc sẽ tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư, kết nối hệ thống giao thông giữa miền Đông Nam Bộ và các tỉnh Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương hoàn thành sẽ giúp cho việc di chuyển dễ dàng, nhanh chóng hơn từ các tỉnh thành về Đà Lạt, Lâm Đồng. Do đó, tuyến cao tốc góp phần đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển du lịch và bất động sản của Đà Lạt – thành phố nổi tiếng về du lịch của tỉnh Lâm Đồng.

Ngoài ra, đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương còn giúp kết nối hoàn chỉnh, đồng bộ với hệ thống mạng lưới đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây. Qua đó, tuyến cao tốc tạo lợi thế phát triển cho du lịch, trao đổi kinh tế giữa các tỉnh thành với nhau.