Bối cảnh thay đổi đang thúc đẩy các doanh nghiệp phải suy nghĩ về các quy trình và phương thức sản xuất của mình. Các nhà sản xuất cũng nhận thức được rằng, ngay cả khi đại dịch được kiểm soát, nó sẽ để lại những thay đổi và khoảng trống rất lớn mà khó có thể bù đắp ngay được, đó là sự thiếu hụt lao động.
Trong quý II năm 2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19. Theo thống kê nhanh của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nhu cầu lao động muốn trở về quê ngày càng cao và thời gian vừa qua một lượng lớn lao động từ các thành phố lớn, khu công nghiệp lớn bị giãn cách, phong tỏa dài ngày đã ồ ạt di chuyển về quê mà chưa có ý định trở lại trong thời gian ngắn, cho thấy nguy cơ hiện hữu về “thiếu hụt lao động” với số lượng lớn trong và sau dịch, đặc biệt là lao động phổ thông của các ngành sản xuất công nghiệp. Các doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu nhân lực, không thể tuyển dụng đủ nhân viên theo nhu cầu.
Vậy giải bài toán thiếu hụt nhân sự này bằng cách nào? Đây có phải cũng là cơ hội để thay đổi nền sản xuất?
Đẩy mạnh tự động hóa nhà máy sản xuất chính là chìa khóa giúp các doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua thách thức, đón bắt các cơ hội của thị trường và giải quyết tốt nhất vấn đề thiếu hụt lao động do đại dịch gây ra.
Tự động hóa nhà máy sản xuất cũng là xu hướng tất yếu của nền kinh tế phát triển, đặc biệt trong giai đoạn cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên khắp thế giới như hiện nay, với những lợi ích không thể phủ nhận mà nó mang lại cho chúng ta.