Ngân hàng thời Covid-19: Dồn lực cứu doanh nghiệp, vẫn phải duy trì hoạt động an toàn, ổn định

Ngân hàng thời Covid-19: Dồn lực cứu doanh nghiệp, vẫn phải duy trì hoạt động an toàn, ổn định

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, nhưng điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã góp phần quan trọng trong việc duy trì các nền tảng vĩ mô ổn định, giảm thiểu tác động bất lợi tới nền kinh tế. Ngành ngân hàng sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch, đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng số hóa để phục vụ khách hàng nhưng các ngân hàng thương mại (NHTM) không thể giảm chuẩn tín dụng, vì trong môi trường này sẽ để lại rất nhiều rủi ro cho nền kinh tế. Hệ thống ngân hàng hoạt động tốt thì đóng góp vào nền tảng ổn định đó, ngược lại sẽ giữ cho hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) có được môi trường ổn định.

Đó là khẳng định của thống đốc Lê Minh Hưng trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 vừa qua và trong các cuộc họp trực tuyến của ngành Ngân hàng triển khai các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân do đại dịch.

Trước tiên phải an toàn vốn, an toàn hoạt động ngân hàng, đó là góp phần vào ổn định vĩ mô

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng đã khẳng định, hệ thống ngân hàng thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng là đảm bảo cung ứng đầy đủ tín dụng cho nền kinh tế. Nhưng nguồn vốn tín dụng này, các chương trình hỗ trợ đều đến từ tiền gửi của người dân và chính doanh nghiệp, nên trách nhiệm đầu tiên của các tổ chức tín dụng (TCTD) là phải đảm bảo an toàn hệ thống, đảm bảo an toàn nguồn vốn để đảm bảo an toàn nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo Lãnh đạo NHNN, việc hỗ trợ tín dụng là cần thiết nhưng phải duy trì điều kiện, tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn không chỉ cho giai đoạn này mà cho nhiều năm tới đây, hệ thống ngân hàng có an toàn, lành mạnh thì mới đảm bảo hỗ trợ cho nền kinh tế. Tuy nhiên, ngành ngân hàng không được phép nới lỏng các điều kiện tín dụng, tháo gỡ các thủ tục, quy định nội bộ của ngân hàng, những tiêu chuẩn, điều kiện vì yêu cầu tiên quyết là để đảm bảo an toàn vốn, đảm bảo an toàn cho hoạt động ngân hàng.

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, nhưng điều hành của NHNN đã góp phần quan trọng trong việc duy trì các nền tảng vĩ mô ổn định, giảm thiểu rất nhiều tác động bất lợi với nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh. Hệ thống ngân hàng hoạt động tốt thì đóng góp vào nền tảng ổn định đó, ngược lại sẽ giữ cho hệ thống TCTD có được môi trường ổn định.

Trong điều hành, NHNN đã rất kịp thời chủ động trong việc điều hành các công cụ chính sách tiền tệ, đặc biệt là thanh khoản, liên ngân hàng, tỉ giá…, giữ ổn định tỉ giá, giảm lãi suất, đặc biệt trong lĩnh vực ưu tiên để hỗ trợ sản xuất kinh doanh. NHNN và các chi nhánh đã vào cuộc sớm, tích cực, ngay từ cuối tháng 2, chủ động đánh giá tác động của dịch bệnh với ngân hàng. Ngày 13/3, NHNN đã khẩn trương ban hành Thông tư 01 – giải pháp đột phá, vì dịch bệnh này chưa có tiền lệ nên NHNN đã kịp thời đưa ra các quy định mới, mạnh mẽ, giúp các TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng và doanh nghiệp vay vốn. NHNN cũng kịp thời ban hành Chỉ thị 02/CT-NHNN về các giải pháp cấp bách của ngành Ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trên thực tế.

Giảm lãi, đơn giản hóa thủ tục, nhưng không thể hạ chuẩn tín dụng

Với sự chỉ đạo quyết liệt của NHNN, các NHTM đã đồng thuận hạ lãi suất cho vay từ 0,5-2,5% lãi suất cho vay để hỗ trợ các khách hàng nhằm tháo gỡ khó khăn do dịch Covid-19, thậm chí có NHTM còn giảm lãi suất cho vay tới 4%/năm. Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), quy mô chương trình tín dụng mà các NHTM triển khai tới khoảng 300 nghìn tỷ đồng – bản chất là các chương trình tín dụng thông thường, lấy nguồn vốn chính từ tiền gửi của người dân và doanh nghiệp mà các ngân hàng đang phải trả lãi huy động – để hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể… bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Cơ chế, quy trình cho vay cơ bản giống như cho vay thương mại thông thường, chỉ là thủ tục nhanh gọn, linh hoạt hơn, lãi suất ưu đãi hơn mức lãi suất cho vay thông thường từ 0,5 – 2,5%/năm.

Phía Vietcombank, Chủ tịch HĐQT Nghiêm Xuân Thành chia sẻ, các ngân hàng đang phải vừa thực hiện mục tiêu kép vừa giữ hoạt động ổn định, vừa hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế. “Việc giảm lãi suất, mỗi ngân hàng có năng lực tài chính khác nhau. Vietcombank đã chấp nhận giảm 2.240 tỉ đồng lợi nhuận để chia sẻ với các doanh nghiệp. Chúng tôi giảm đồng loạt trên hệ thống từ nay đến 30.9”, ông Thành thông tin.

Tuy nhiên, lãnh đạo Vietcombank cũng lo lắng bởi ngân hàng đi huy động vốn rồi cho vay lại, trong khi vẫn phải nỗ lực cắt giảm chi phí, giữ hoạt động an toàn. “Điều này lý giải vì sao có một số doanh nghiệp phương án kinh doanh chưa đảm bảo, không có vốn tự có… chưa tiếp cận được vốn. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận, tăng số hóa để phục vụ nhanh hơn, chứ không thể giảm chuẩn tín dụng, vì trong môi trường này sẽ để lại rất nhiều rủi ro”, ông Thành bày tỏ.

Chủ tịch Vietcombank cho biết, số dư nợ các ngành/lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được Vietcombank hỗ trợ, ưu đãi lãi suất thấp hơn 0,5%-1,5% so với mặt bằng lãi suất chung đến nay đã lên gần 113 nghìn tỉ đồng. Đồng thời, Vietcombank sẽ tiếp tục kéo dài chính sách giảm lãi suất 1%-1,5% đối với dư nợ hiện hữu (từ hạn 30-4 chuyển sang đến 30-9). Lợi nhuận của Vietcombank ước tính giảm khoảng 300 tỉ đồng vì chính sách này.

Chia sẻ quan điểm trên, Chủ tịch HĐQT VietinBank Lê Đức Thọ cũng cho rằng, việc hạ thấp chuẩn tín dụng sẽ để lại hệ quả nợ xấu. Tuy nhiên, VietinBank bằng nhiều giải pháp đang nỗ lực cho khách hàng đủ điều kiện, có phương án tốt giải ngân vốn một cách nhanh nhất. “Đối với các lĩnh vực thiết yếu, chúng tôi chỉ đạo rất nghiêm túc giảm ngay lãi suất 2 – 2,5%/năm so với mức thông thường. Các trường hợp còn lại tùy mức độ ảnh hưởng bởi dịch, giảm từ 0,5 – 1,5%/năm”, ông Thọ nói.

Còn tại VPBank, mới đây ngân hàng cũng công bố số liệu thống kê giai đoạn 1 (tính đến ngày 4-5-2020) về việc giảm, giãn và gia hạn nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Theo đó, đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch, tổng dư nợ của các khoản cơ cấu lại thời hạn trả nợ là gần 12.000 tỉ đồng, tương ứng với hơn 14.000 trường hợp, và tổng số dư nợ được hỗ trợ giảm lãi suất là gần 33.000 tỉ đồng, tương ứng với hơn 22.000 hồ sơ đã xử lý, với mức lãi suất đã giảm 0,5%-3% mỗi trường hợp. Tính đến ngày 4-5-2020, ngân hàng đã có tổng cộng hơn 13.000 hồ sơ giải ngân mới tương đương 18.000 tỉ đồng, với lãi suất cho vay trung bình giảm đến 3% so với trước thời gian dịch bệnh để hỗ trợ các khách hàng hiện hữu gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Với phân khúc khách hàng cá nhân và hộ kinh doanh tiểu thương, thời gian vừa qua VPBank cũng song song giải quyết các nhu cầu được giảm, giãn nợ với tổng dư nợ lên tới gần 4.000 tỉ đồng, chiếm hơn 91% tổng số hồ sơ đề nghị hỗ trợ do dịch bệnh.

Trong khi đó, tại BIDV, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch BIDV, cho biết ngân hàng đã cơ cấu giảm nợ cho khoảng hơn 3.300 khách hàng, đồng thời miễn giảm lãi các dư nợ cũ 0,5%-1,2%/năm. Đặc biệt, BIDV vừa công bố gói tín dụng cá nhân lên đến 50.000 tỷ đồng. Đây là gói tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh được triển khai từ ngày 6/5/2020 đến 30/09/2020 thay thế cho gói tín dụng quy mô 30.000 tỷ đồng triển khai trước đó. Với gói vay mới này, khách hàng được hưởng lãi suất hấp dẫn hơn với các kỳ hạn linh hoạt, phù hợp với từng nhu cầu vay sản xuất kinh doanh. Cụ thể, khách hàng được áp dụng lãi suất chỉ từ 6%/năm đối với các khoản vay có kỳ hạn dưới 6 tháng và chỉ từ 6,5%/năm đối với các khoản vay từ 06 tháng đến 12 tháng.

Đã hạ lãi suất cho gần 980 nghìn tỷ đồng vốn vay

Với sự triển khai tích cực, quyết liệt của cả hệ thống, đến cuối tháng 4, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 170 nghìn khách hàng với dư nợ xấp xỉ 130 nghìn tỷ đồng; Miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 14 nghìn khách hàng với dư nợ xấp xỉ khoảng 29 nghìn tỷ đồng; Hạ lãi suất dư nợ hiện hữu cho hơn 318 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng trên 980 ngàn tỷ đồng (mức hạ lãi suất phổ biến từ 0,5-2%, thậm chí một số TCTD đã hạ lãi suất tới 2,5% và trên 4% cho khách hàng; Cho vay mới với lãi suất ưu đãi thấp hơn so với lãi suất cho vay trước khi có dịch khoảng 1%-2% cho khoảng 150 ngàn khách hàng với doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23/01/2020 (thời điểm Thủ tướng công bố có dịch) đạt trên 500 nghìn tỷ đồng.

Nếu tính trung bình trong gần 1 triệu tỷ đồng đã được các NHTM hạ lãi suất 1% thì lợi nhuận của các NHTM trong năm nay giảm ít nhất 100 nghìn tỷ đồng, và các doanh nghiệp là đối tượng được hưởng số tiền này để khôi phục sản xuất kinh doanh.

Thực tế nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận được vốn vay với mức lãi suất thấp hơn cả lãi suất mà ngân hàng đang huy động kỳ hạn 1 năm. Chẳng hạn, với Công ty TNHH Vĩnh Long, ông Bùi Thế Vinh – Giám đốc điều hành chia sẻ: “Ngân hàng đã cơ cấu nợ, giãn nợ, giảm lãi suất xuống còn 6,75%. Đối với những khoản vay mới, chúng tôi cũng nhận được lãi suất ưu đãi là 6,75%/năm”.

Còn đại diện Khách sạn SilkPath (Hà Nội) đánh giá cao sự hỗ trợ kịp thời của ngân hàng, nhờ đó, doanh nghiệp đã được cơ cấu lại nợ gốc và lãi, được giảm lãi suất cho vay 1%.

Bên cạnh các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh tự động hóa cũng đang được NHTM áp dụng triệt để, bởi vậy việc giải quyết các đề xuất hỗ trợ từ phía doanh nghiệp đều có thể thực hiện tự động và trong thời gian ngắn.

Ông Lê Xuân Vũ – thành viên Ban Điều hành Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho hay, MB đã đưa một số sản phẩm mà cho phép toàn bộ hành trình khách hàng từ việc vay, nộp đơn, thẩm định, phê duyệt tự động, và khách hàng có thể nhận tiền chỉ trong một thời gian ngắn.

Ghi nhận những nỗ lực và kết quả của ngành Ngân hàng, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, liên quan đến hoạt động ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá NHNN và ngành ngân hàng đã xử lý cụ thể, thống nhất và khắc phục hậu quả nhanh chóng bằng những biện pháp mạnh mẽ để hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp gặp khó. “Trước hết, chúng ta có thể cảm thấy vui mừng rằng các đồng chí đã bước đầu kiểm soát tốt lạm phát, giữ vững niềm tin cộng đồng. Đây là những vấn đề hết sức quan trọng với nền kinh tế, đảm bảo ổn định lâu dài. Việc thực hiện tốt Thông tư 01 của Thống đốc NHNN đến các chi nhánh như kiểm soát nợ, hạ lãi suất, tạo điều kiện vay vốn, cơ cấu lại nợ là vô cùng quan trọng. Chúng ta vui mừng trong việc tỷ giá ổn định; đặc biệt là tỷ giá đồng Việt Nam đã thực hiện rất đúng đắn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài của các doanh nghiệp” – Thủ tướng nhận định.