Mặc dù, khi triển khai đã nảy sinh ít nhiều khó khăn chưa từng có tiền lệ, đó là vừa phải ứng phó với việc đứt gãy chuỗi cung ứng với nhiều phát sinh trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa, vừa phải chăm lo đảm bảo đời sống, sinh hoạt hàng ngày cho người lao động.
Thời gian vừa qua, để ứng phó trước diễn biến dịch bệnh, toàn bộ 19 tỉnh, thành phía Nam, gồm TP.HCM, miền Đông và miền Tây Nam Bộ phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Việc giãn cách này kéo theo nhu cầu về nhu yếu phẩm của khu vực với khoảng 36 triệu dân này tăng cao. Nhiều bà nội trợ cho biết, bên cạnh những loại thực phẩm như gạo, thịt, cá, trứng, rau củ quả, nước rửa tay, khẩu trang… thì họ cũng mua thêm khá nhiều các loại thực phẩm khô và các loại gia vị như dầu ăn, nước mắm, đường, muối… để hạn chế việc đi lại, tiếp xúc. Đường là loại gia vị cung cấp năng lượng không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày và là mặt hàng được phân vào nhóm hàng hóa thiết yếu. Lúc này, sức mua thị trường lớn, vượt quá tồn kho, do đó Công ty TNHH MTV Đường TTC Biên Hòa – Đồng Nai (thành viên của Công ty CP Thành Thành Công – Biên Hòa, TTC Sugar) buộc phải tăng ca “2 ca 3 kíp”, công nhân phải choàng việc để đáp ứng dây chuyền máy móc hoạt động xuyên suốt liên tục 24/24… “Người dân còn cần Đường, chúng tôi còn sản xuất”, đó chính là quyết tâm của bà Huỳnh Bích Ngọc, Chủ tịch TTC Sugar khi thực hiện mô hình “3 tại chỗ” nhằm đáp ứng chuỗi cung ứng để nguồn cung không bị thiếu hụt.
Thời điểm này, trong khi các doanh nghiệp mía đường khác đã kết thúc vụ sản xuất thì Công ty Đường TTC Biên Hòa – Đồng Nai với ngành nghề chính là sản xuất kinh doanh các sản phẩm đường mía, là nhà máy duy trì hoạt động quanh năm, không phụ thuộc vào mùa vụ cây mía. Nhà máy vẫn đang bền bỉ hoạt động của mình để cung ứng các sản phẩm đường túi, đường bao 50kg và các loại đường tiêu dùng khác cho toàn thị trường, đặc biệt là thị trường phía Nam.
Từ 14/7/2021 đến nay, Công ty Đường TTC Biên Hòa – Đồng Nai đã bố trí cho 338 cán bộ nhân viên (CBNV) thường trực nhà máy thực hiện “sản xuất tại chỗ – ăn tại chỗ – nghỉ ngơi tại chỗ” trên tổng số 636 CBNV của toàn Công ty. Trước đó, do diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, Công ty cũng đã chủ động cho tình huống xấu bằng cách kích hoạt và xây dựng phương án phòng dịch nghiêm ngặt, tổ chức cho công nhân ở lại nhà máy duy trì sản xuất từ ngày 01/6/2021.
Anh Hải, Công nhân Vận hành máy đóng đường túi, cho biết, ngay khi dịch bệnh bùng phát, điều mà anh lo lắng đầu tiên là sợ mất việc làm, không có thu nhập. Do đó, khi Công ty thông báo thực hiện phương án “3 tại chỗ”, anh đã đăng ký làm việc ngay. “Sinh hoạt và làm việc ở đây, tôi còn cảm thấy an tâm hơn ở bên ngoài. Công ty đã bố trí cho chúng tôi được ăn, ở, làm việc tại chỗ với những điều kiện rất tốt”, anh chia sẻ.
Việc “cắm trại” sản xuất vừa đảm bảo duy trì số lượng nhân sự, vừa giảm nguy cơ nhân viên bị nhiễm bệnh từ cộng đồng sau đó mang vào nhà máy. Với phương án này, CBNV sẽ ở lại Công ty và được xét nghiệm Covid theo đúng quy định 7 ngày/1 lần. Ngoài ra, người lao động được hỗ trợ thêm chi phí ngoài lương là 150.000 đồng/1 ngày, kèm chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng mỗi ngày 3 bữa. “Chúng tôi bố trí khu nghỉ ngơi tươm tất cho các CBNV, khu thể dục thể thao như cầu lông, bóng bàn để có nơi rèn luyện thể chất. Đồng thời, mỗi CBNV còn được Công ty bổ sung thêm các loại thuốc bổ tăng sức đề kháng, trang bị vật tư bảo hộ… để đảm bảo an toàn sức khỏe ở mức cao”, đại diện đơn vị này cho hay.