NGƯỜI GIỮ HỒN ÂM NHẠC DÂN GIAN

NGƯỜI GIỮ HỒN ÂM NHẠC DÂN GIAN

Chia Sẻ Của Nghệ Sĩ Lê Viết Công Về Hát Văn Hầu Đồng Tại Huế

Lê Viết Công ( nghệ danh Tiếng Tơ Đồng) anh tốt nghiệp Học viện âm nhạc Huế Chuyên ngành biểu diễn nhạc cụ dân tộc hiện tại anh đang là nghệ sĩ hát văn hầu đồng tại Huế. Anh chia sẻ Bản thânanh biết chầu văn là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ, một hình thức sinh hoạt mang tính tâm linh và nó cần có một không gian trình diễn riêng biệt. Thời gian gần đây, chầu văn đã được đưa lên sân khấu biểu diễn để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu và thưởng thức âm nhạc dân gian của công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ. Chính vì thế bản thân Viết Công ngoài việc phát huy, lan tỏa loại hình nghệ thuật này trong cộng đồng thì còn có trách nhiệm lớn hơn đó chính là mang nghệ thuật chầu văn cổ thổi hồn qua hơi thở, nhịp sống đương đại phù hợp với giới trẻ”.

Yêu chầu văn rồi, biết chầu văn rồi thì Viết Công mới biết hát văn mới thật sự là khó, đòi hỏi lắm công phu. Với mỗi cung văn, đòi hỏi vừa hát giỏi, vừa có thể chơi nhạc khí hay phải biết nhiều làn điệu để chuyển đổi linh hoạt với các bài hát cho phù hợp với hoạt cảnh biểu diễn. Những câu văn, những nhịp điệu trầm bổng, vui tươi cũng vì thế mà được hòa quyện lại với nhau tạo nên một bức tranh muôn màu qua hơi thở từng bài hát. Với anh, điều hạnh phúc nhất ở nghề đó là cảm nhận được nét tài hoa, tinh tế của cha ông gửi gắm qua từng lời văn, điệu múa, hướng con người tới cái tâm thiện trong cuộc sống. Phong cách hát chầu văn của nghệ sĩ Viết Công được đông đảo khán giả từ người lớn tuổi cho tới giới trẻ đặc biệt yêu mến vì ngoài giọng ca tự nhiên, cuốn hút, anh còn hát chầu văn với cả một tâm hồn, một niềm đam mê như ngọn lửa cứ cháy bỏng mãi xuyên suốt qua từng lớp lớp thời gian để mọi người cùng cảm nhận nét đẹp văn hóa và tinh hoa của hát chầu văn – di sản của nhân loại mãi trường tồn.

Hát văn, còn gọi là chầu văn hay hát bóng, là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền của Việt Nam. Hát văn là lễ nhạc hát chầu Thánh nên có vai trò quan trọng trong lễ hầu đồng. Lời ca, tiếng nhạc của cung văn nhằm mời gọi các vị Thánh về. Hát văn làm cho buổi lễ sống động. Những người hát văn vừa chơi nhạc cụ vừa thay nhau hát trong một vấn hầu thường kéo dài từ 4-8 tiếng.

Các nhạc cụ chính gồm đàn nguyệt, trống ban (trống con), phách, ngoài ra còn sử dụng nhiều nhạc cụ khác như: trống cái, sáo, đàn nhị, kèn bầu, chuông, mõ, đàn bầu. Ngoài ra hát chầu văn còn có thể mượn các làn điệu nhạc cổ truyền khác như :hò Huế và cả những điệu hát của dân thiểu số, xen kẽ những đoạn hát là đoạn nhạc không lời, gọi là lưu không. Đây là hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (Đạo Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Đức Thánh Vương Trần Hưng Đạo), một tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Bằng cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các lời văn trau chuốt nghiêm trang, chầu văn được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa chầu thánh. Hát văn có xuất xứ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.Chầu văn có nhiều cách gọi khác nhau, miền Bắc gọi là hát văn, miền Trung gọi là hát chầu văn hoặc hầu văn, miền Nam gọi là múa bóng. Âm nhạc trong hát chầu văn ở Huế và hát văn ở miền Bắc có nhiều điểm không giống nhau.

Chầu văn Huế thì hát đơn, hát đôi, hát tập thể, có khi cả ban công văn (8 – 10 người) cùng đứng hát, nhảy múa, hát theo từng tính chất giá hầu. Miền Bắc chỉ hát đơn, đệm nhạc có trống, mõ, đàn nguyệt, thanh la, khi chầu đồng chỉ ngồi ít khi đứng. Nội dung những bài hát chầu văn thường mô tả, diễn đạt sự tích ca ngợi các vị thánh, thần, tiên được thờ trong điện, gắn liền với những truyền thuyết và câu chuyện dân gian.Về môi trường diễn xướng, chầu văn là loại hát thờ, hát trước bàn thờ thánh, gắn bó chặt chẽ với các nghi lễ tại am, điện thờ thánh mẫu……

Các bài hát chầu văn thường có nội dung ngợi ca, các vị thần thánh, cảnh vật trên thiên giới. Người hầu đồng (con đồng) cũng như các con nhang đệ tử dự lễ đều ước muốn được thần thánh phù hộ cho bản thân và gia đình luôn gặp may mắn, bình an. Đặc biệt, theo quan niệm của những người buôn bán thì tham gia vào những buổi lễ lên đồng là hình thức cầu xin thần thánh giúp họ ăn nên làm ra. Hát chầu văn có vai trò quan trọng trong các buổi lên đồng, là phương tiện kết hợp đồng thời với trình tự lễ lên đồng để thỉnh cầu thần linh phù hộ, cũng như phản hồi thông tin từ các vị thần linh. Lời ca trong những điệu văn luôn kết hợp với các văn chầu để đề cao vai trò của thánh mẫu với việc tạo dựng đất đai, cây cối, dạy cách trồng lúa nước, trừ tà diệt ác đem lại cho nhân dân cuộc sống ấm no, bình yên.

Hát chầu văn Huế được hình thành và phát triển trên cơ sở kế thừa vốn âm nhạc truyền thống của dân tộc để phục vụ tín ngưỡng thờ mẫu. Nó mang những giá trị văn hóa tinh thần sâu sắc, vừa thể hiện nhu cầu thẩm mỹ vừa thể hiện ước vọng tâm linh của con người trong cuộc sống. Vì vậy, âm nhạc chầu văn Huế không chỉ là một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa cộng đồng mà còn là một loại hình âm nhạc dân gian độc đáo cần được giữ gìn, phát huy trong đời sống hiện đại.