Ngày 5/12/2020, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế sẽ chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, một số quy định trong Nghị định 126 vẫn còn có ý kiến trái chiều.
Cụ thể, Nghị định 126 có quy định “các ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế để phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp. Đồng thời, thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật về thuế”.
Đáng chú ý, hàng tháng ngân hàng phải cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế bao gồm: tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản cho cơ quan quản lý thuế.
Quy định mới này được kỳ vọng sẽ giúp hạn chế việc kê khai không đủ, trốn thuế của những người có nghĩa vụ nộp thuế. Tuy nhiên cũng có những nghi ngại liên quan tới yêu cầu bảo mật thông tin khách hàng của ngân hàng. Có ý kiến cho rằng, quy định nêu trên mâu thuẫn với quy định của Luật Tổ chức tín dụng, ảnh hưởng tới hoạt động của ngân hàng.
Để làm rõ hơn những quy định tại Nghị định 126 và giải đáp những vấn đề còn gây tranh luận, Nhadautu.vn đã trao đổi với luật sư Trương Thanh Đức – người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, đang đóng vai trò Chủ tịch Công ty Luật Basico trực tiếp tư vấn luật cho ngân hàng và các doanh nghiệp.
Nghị định 126 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý Thuế đã có những quy định khá rõ về yêu cầu cung cấp thông tin đối tượng nộp thuế từ phía ngân hàng có cơ quan thuế. Dù vậy, vẫn có những người cho rằng, ngân hàng có quyền từ chối cung cấp thông tin cho cơ quan thuế và sẽ tuân theo Luật Các tổ chức tín dụng thay vì Luật Quản lý thuế. Ông nghĩ sao về cách hiểu này?