Kể từ khi đại dịch bắt đầu hoành hành, các NHTW trên thế giới đã bơm 32 tỷ USD vào thị trường, tương đương với việc mua 800 triệu USD tài sản tài chính/giờ trong 20 tháng qua, theo Bank of America. Theo đó, vốn hoá của TTCK toàn cầu cũng tăng lên 60 tỷ USD.
Tuy nhiên, do lạm phát gia tăng và mong muốn kiểm soát giá cả, Fed tuần trước đã thông báo chương trình mua tài sản của họ sẽ kết thúc vào tháng 3. Có thể, NHTW Mỹ sẽ nâng lãi suất 3 lần trong năm tới.
Trong bối cảnh đó, dưới đây là những câu hỏi lớn mà thị trường cần câu trả lời cho năm 2022.
Triển vọng lạm phát
Các NHTW đã thay đổi quan điểm về lạm phát vào năm 2021, từ trấn an rằng tình trạng này chỉ là “nhất thời” khi nền kinh tế hồi phục sau đại dịch sang việc chấp nhận rằng lạm phát đang dai dẳng hơn. Tháng 11, giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1982, lạm phát tại Eurozone tăng kỷ lục 4,9% và Anh cũng tăng lên mức cao nhất trong 10 năm.
Tuy nhiên, nhiều ngân hàng và nhà đầu tư dự đoán lạm phát sẽ dần hạ nhiệt. Morgan Stanley cho biết dù giá có thể cao trong năm tới, nhưng tốc độ tăng sẽ đạt đỉnh vào đầu năm 2022 khi giá dầu giảm và các vấn đề của chuỗi cung ứng bớt căng thẳng.
Columbia Threadneedle cũng chi ra rằng sự cải thiện của chuỗi cung ứng cũng là lý do quan trọng khiến họ cho rằng lạm phát sẽ giảm bớt vào năm 2022. Điều này là dấy lên viễn cảnh rằng Fed bắt đầu nâng lãi suất ngay khi lạm phát giảm.
Tuy nhiên, BlackRock – công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, dự đoán lạm phát sẽ cao hơn trong nhiều năm tới. Goldman Sachs kỳ vọng giá tiêu dùng cốt lõi của Mỹ sẽ duy trì trên mức 4% vào năm tới.
Goldman nhận định NHTW sẵn sàng ứng phó với lạm phát cao hơn và điều chỉnh lãi suất ở mức tương đối thấp sẽ hỗ trợ TTCK. Ngân hàng này cũng dự báo TTCK toàn cầu sẽ mang lại lợi nhuận dương và trái phiếu chính phủ sẽ có lợi suất âm trong năm thứ 2 liên tiếp.
Các NHTW đã bắt đầu “siết van” hoặc ít nhất là báo hiệu họ sẽ làm như vậy trong năm tới. Do đó, nhà đầu tư lo ngại rằng họ sẽ bị “kìm kẹp” quá mức. David Folkerts-Landau – nhà kinh tế trưởng tại Deutsche Bank, cho biết nếu lạm phát không bớt căng thẳng, các NHTW sẽ chuyển sang lập trường thắt chặt một cách gay gắt hơn, gây ra phản ứng mạnh trên thị trường và rất có thể là cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng.
Phố Wall liệu có tiếp tục tăng?
Mislav Matejka – trưởng bộ phận chiến lược cổ phiếu toàn cầu và châu Âu tại JPMorgan, cho biết: “Các khách hàng nói với chúng tôi rằng động lực thị trường đã đạt đỉnh, lợi nhuận, thanh khoản đều như vậy. Các NHTW sẽ thắt chặt chính sách và bạn nên chốt lời.”
Goldman Sachs dự đoán S&P 500 sẽ tăng thêm 9% vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, một số ngân hàng khác lo ngại rằng lợi nhuận từ cổ phiếu – đặc biệt là những góc “khuất” hơn của thị trường, lại không bền vững.
Morgan Stanley cho biết họ dự đoán S&P 500 sẽ giảm 5%. BofA ước tính kinh tế giảm tốc và lãi suất cao hơn có thể khiến chỉ số này mất 3%.
Triển vọng đối với châu Âu?
Frederik Ducrozet – chiến lược gia cấp cao tại Pictet Wealth Management, cho biết NHTW châu Âu phải đối mặt với môi trường “khó khăn và biến động” đối với lạm phát trong năm tới. Ông nói: “Theo tôi, lạm phát ở châu Âu không chỉ cao vĩnh viễn mà còn biến động mạnh trong thời gian dài.”
Tuần trước, ECB cam kết sẽ giảm quy mô của chương trình mua trái phiếu để ứng phó với lạm phát tăng cao. Ngoài ra, NHTW cho biết việc nâng lãi suất có thể phải đợi đến năm 2023.
Theo dữ liệu cho Bloomberg tổng hợp, ước tính đồng thuận của các chuyên gia là chỉ số Stoxx 600 sẽ tăng 6% khi kinh tế tiếp tục tăng trưởng và lợi suất trái phiếu vẫn ở mức thấp. Tuy nhiên, BofA dự đoán xu hướng đó sẽ đảo ngược vào năm sau và Stoxx sẽ giảm 10%.
Ben Ritchie – trưởng bộ phận chứng khoán châu Âu tại Abrdn, cho hay, nhà đầu tư nên tập trung vào các doanh nghiệp có vị thế cạnh tranh mạnh mẽ, định giá tốt và khả năng tiếp cận động lực tăng trưởng.
Song, Pimco dự đoán TTCK châu Âu sẽ gặp nhiều thách thức hơn do một số ngành không có hoạt động kinh doanh thuận lợi, giá năng lượng biến động và sự bất ổn về triển vọng của dịch bệnh.
Jordan Rocheste – chiến lược gia ngoại hối tại Nomura, cho biết áp lực giá năng lượng, thực phẩm và dịch vụ cao đồng nghĩa với việc tỷ lệ lạm phát ở châu Âu vẫn ở mức cao trong năm tới.
Ông lưu ý, giá khí đốt tại đây tăng khoảng 573% trong năm nay, cho thấy rằng Đức có thể cạn kiệt nguồn cung trong mùa đông. Giá xăng tăng đẩy giá phân bón và kéo theo giá thực phẩm. Theo ông, người tiêu dùng có thể phản ứng bằng cách đòi hỏi tăng lương.
Diễn biến của Trung Quốc và các thị trường mới nổi
Chris Jeffery – giám đốc bộ phận đa tài sản và bộ phận lãi suất, lạm phát tại LGIM, cho biết: “Các thị trường mới nổi đã trải qua 1 năm thực sự kinh khủng và tương lai còn u ám hơn. Một phần là do chính sách zero Covid của Trung Quốc sẽ khó có thể duy trì, đặc biệt là với Omircon.”
Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc đã giảm 3% trong năm nay, khi các nhà hoạch định chính sách siết chặt quy định với các công ty công nghệ, giáo dục và bất động sản.
Trong khi đó, theo Claudia Calich – trưởng bộ phận trái phiếu tại các thị trường mới nổi của M&G Investments, các vấn đề trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc là lời cảnh tỉnh về những nguy cơ và sự yếu kém có thể ẩn náu trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp châu Á. Bà cho biết, đây là lĩnh vực được nhà đầu tư quan tâm trong thời gian gần đây.
Calich nói thêm, nhà đầu tư nên chuẩn bị cho khả năng sụt giảm đáng kể của các thị trường này, nếu dịch bệnh tồi tệ hơn dự đoán, đặc biệt là ở nhiều quốc gia vẫn còn phần lớn dân số chưa tiêm vắc-xin.
Tham khảo FT