Ông Phạm Minh Tuấn: Năm 2022 Bamboo Capital sẽ tăng vốn lên 10.000 tỷ đồng và đẩy mạnh hoạt động M&A

Ông Phạm Minh Tuấn: Năm 2022 Bamboo Capital sẽ tăng vốn lên 10.000 tỷ đồng và đẩy mạnh hoạt động M&A

Sang năm 2022, BCG vẫn sẽ giữ tâm thế của một doanh nghiệp trẻ nhiều khát vọng, lấy năng lượng tái tạo và hạ tầng là 2 mũi nhọn trong kinh doanh.”Năm 2022 sẽ là năm có điểm rơi lợi nhuận cao hơn so với kế hoạch đã công bố tại ĐHĐCĐ năm 2021, do thời điểm bàn giao dự án Malibu Hội An được chuyển sang năm 2022 thay vì cuối năm 2021 nên năm nay BCG sẽ ghi nhận doanh thu đáng kể từ mảng bất động sản”, ông Tuấn nói.

Năm 2021 tình hình kinh doanh khó khăn, tuy nhiên BCG liên tục ký kết với các nhà đầu tư lớn. Theo ông, nhờ đâu BCG có được tín hiệu tốt này?

Nhìn lại bối cảnh năm 2021 thì đại dịch Covid-19 bùng phát đã chiếm phần lớn thời gian của năm, xuyên suốt thời gian từ tháng 4 đến tháng 10 nhiều tỉnh thành lockdown. Mọi di chuyển theo đó không thực hiện được, dẫn đến việc phát triển kinh doanh của tất cả doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng lớn và việc gọi vốn không ngoại lệ.

BCG cũng gặp vài ảnh hưởng nhất định nhưng năm 2021 chúng tôi vẫn có những bước tiến rất quan trọng, đó là nhờ BCG đã có sự chuẩn bị từ các năm trước với các đối tác nước ngoài nên việc huy động vốn vẫn diễn ra sôi động. Hiện BCG đang hợp tác với các đối tác quốc tế như SP Group (Singapore Power Group), Sembcorp Utilities đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo của BCG Energy.

Song song đó, nhờ chuẩn bị cho đại dịch tốt nên một số hoạt động kinh doanh của BCG ở vùng ít bị ảnh hưởng bởi dịch như Bình Định, Vĩnh Long… vẫn diễn ra xuyên suốt, từ đó giúp chỉ số chung của BCG không bị ảnh hưởng quá nhiều.

Nhờ có sự chuẩn bị tốt để ứng phó và uyển chuyển thích nghi với đại dịch mà BCG đã hoàn thành được mục tiêu lợi nhuận trong thời điểm khó khăn, đời sống CBNV vẫn được đảm bảo. Nhờ kết quả kinh doanh tích cực mà chúng tôi tổ chức được nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng, đặc biệt ủng hộ các quỹ vắc xin tại những tỉnh thành phố nơi BCG có dự án.

Mức tăng trưởng này có quá bất thường hay không?

Đây không phải là tăng trưởng nóng hay có gì bất thường cả, nhìn trên bề mặt thì năm 2021 BCG có nhiều hoạt động nhưng đây cũng chỉ là thành quả của sự chuẩn bị trong 10 năm qua. Thực tế, một số dự án năng lượng cùng bất động sản của BCG cũng bị ảnh hưởng bởi chính sách chung và sự chững lại của thị trường trước đại dịch… Nhưng, điều cần nói ở đây là BCG đẩy mạnh công tác M&A.

Trước đại dịch, BCG không khoanh tay đứng nhìn và chờ đợi mà luôn luôn tìm cơ hội phát triển. Cho nên cả giai đoạn 2020-2021 chúng tôi ghi nhận sự phát triển vượt bậc nhờ kết quả của việc đẩy mạnh giao dịch M&A và huy động vốn.

Tôi nghĩ không có gì bất thường nếu mọi người nhìn nhận BCG là một doanh nghiệp có thế mạnh trong hoạt động M&A , nhìn từ khía cạnh này thì sự phát triển của BCG vẫn rất bình thường do chúng tôi tìm kiếm được cơ hội trên thị trường.

Chỉ trong một năm qua BCG đã mở rộng ra mảng tài chính, bảo hiểm, bên cạnh các mảng bất động sản, hạ tầng, năng lượng tái tạo… Động thái này có quá nhanh và ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của Tập đoàn không?

Về bản chất thì BCG phát triển nhanh nhưng chỉ là phát triển trên ngành lõi như bất động sản, năng lượng tái tạo, sản xuất và cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, trong các ngành cốt lõi này BCG đã có kinh nghiệm và đội ngũ nhân lực có chuyên môn.

Riêng về ngành tài chính thì ban lãnh đạo BCG cũng có kinh nghiệm trên thị trường nhiều năm liền. Và đây cũng là bước đi tất yếu để hoàn thiện hệ sinh thái đa ngành, đồng thời cũng hỗ trợ cho việc huy động vốn của BCG thời gian tới, khi mà hiện nay, đa số các ngành lõi của BCG đều là ngành có mức thâm dụng vốn rất cao.

Dù phát triển đa ngành, BCG tự tin có khả năng kiểm soát rủi ro và nhận định được cơ hội thị trường trong những lĩnh vực Tập đoàn đã và đang nắm rất rõ.

Công ty có thể chia sẻ thêm về mảng mới liên quan đến lĩnh vực tài chính và bảo hiểm?

Hiện với lĩnh vực mới này, BCG có đầu tư vào công ty chứng khoán, ngân hàng và giao dịch nổi bật nhất là mua lại Bảo hiểm AAA.

Riêng với AAA, sau khi mua lại thì chúng tôi đang thực hiện tái cơ cấu và mở rộng hoạt động với một kế hoạch tham vọng là đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu gấp 10 lần. Điều này sẽ được thực hiện bởi đội ngũ nhân sự có kinh nghiệm dày dặn của chúng tôi. BCG cũng đang thực hiện những bước đầu tiên trong kế hoạch tăng vốn cho Bảo hiểm AAA.

Theo đánh giá của BCG, AAA là công ty có nên tảng và được sự vận hành tốt bởi cổ đông trước kia là Tập đoàn IAG Insurance của Úc, BCG sẽ kế thừa những điều này và phát huy thêm những hiểu biết của chúng tôi về thị trường nội địa. Định hướng, AAA sẽ trở thành công ty thành viên có đóng góp lớn vào doanh thu cũng như lợi nhuận của Tập đoàn. Tuy nhiên việc này cần có thời gian 1-2 năm để thực hiện tái cơ cấu AAA.

Mảng năng lượng hiện BCG huy động được khá nhiều đối tác lớn, liệu kế hoạch IPO mảng này sẽ sớm được xúc tiến?

Theo kế hoạch ban đầu của chúng tôi, mảng năng lượng tái tạo dự kiến khi đạt được công suất 1,5-2 KWh sẽ thực hiện IPO.

Hiện nay, mảng này đang có những khó khăn về mặt chính sách vĩ mô, tuy nhiên đây chỉ là khó khăn tạm thời. Chúng tôi tin rằng với bức tranh sáng về phát triển năng lượng và khuyến khích đầu tư của Chính phủ, thì BCG có thể giữ vững lộ trình IPO đến giai đoạn 2024-2025.

Năng lượng tái tạo đối mặt với rủi ro thay đổi chính sách cũng như sự thừa công suất cục bộ tại một vài địa phương. Liệu BCG sẽ ứng phó thế nào?

Nếu nhìn về dài hạn thì yếu tố chi phối chính của thị trường điện năng và năng lượng tái tạo là Quy hoạch điện 8 đang được phê duyệt. Đến khi Chính thủ thông qua, thì bức tranh về ngành năng lượng tái tạo mới thực sự rõ nét cho giai đoạn 5 năm tới.

Do đó, lo ngại về sụt giảm công suất hay sự thừa thiếu cục bộ chỉ là yếu tố tạm thời, phần lớn do ảnh hưởng Covid-19 và đang dần được khắc phục khi Việt Nam bước vào bình thường mới.

Mặt khác, cơ chế về chính sách giá của năng lượng tái tạo đến nay với việc Chính phủ chuyển hướng sang các thoả thuận mua bán (PPA) và đấu thầu sẽ tạo nên chính sách ổn định hơn rất nhiều cho các bên. Và BCG vẫn giữ mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo một cách bền vững.

Hiện, BCG đã áp dụng các công nghệ mới như tích trữ điện năng, hydrogen… vào mảng này. Về công suất hiện hữu, Công ty vận hành 520MW dự án năng lượng đang hoạt động và đem lại nguồn doanh thu ổn định. Các dự án này do BCG sở hữu chi phối nên tỷ lệ đóng góp vào doanh thu theo lộ trình sẽ tăng dần trong thời gian tới.

Song song, BCG còn có 550MW dự án điện gió đang được thực hiện, dự kiến đóng điện vào cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023. Công ty vẫn tiếp tục xây dựng các dự án đã có giấy phép và tìm kiếm cơ hội đầu tư trong lĩnh vực điện gió.

Về mảng bất động sản, tình hình triển khai các dự án hiện nay thế nào?

Với mảng bất động sản, năm 2021 BCG có đến 7 dự án bất động sản đang triển khai. Đã có những thời điểm do đại dịch Covid-19 mà chúng tôi phải tạm dừng công tác xây dựng. Tuy nhiên, ngay khi tình hình COVID-19 tiến triển tích cực, chúng tôi đã dồn mọi nguồn lực vào các dự án này và tăng tốc thi công để đảm bảo hoàn thành kịp tiến độ.

Sang năm 2022, BCG dự kiến sẽ bàn giao dự án Malibu Hội An, hoàn thiện một phần dự án Hội An D’or, tiếp tục xây dựng phần còn lại dự án King Crown Thảo Điền và tiếp tục dự án King Crown Infinity.

Vụ việc đấu giá 2,4 tỷ/m2 tại Thủ Thiêm dấy lên e ngại về tình hình bong bóng bất động sản, BCG có nhận định như thế nào?

Việc đẩy giá bất động sản lên cao rồi bỏ cọc sẽ gây nên hiệu ứng tâm lý, những yếu tố này thường không có lợi cho người tiêu dùng. Riêng BCG thời gian rồi không bị ảnh hưởng nhiều bởi hiện tượng này. Dù vậy, chúng tôi cũng đang đánh giá các ảnh hưởng liên quan đến thuế, chi phí xây dựng để đưa ra những điều chỉnh phù hợp.

Tuy nhiên theo tôi thì dài hạn thị trường sẽ được điều chỉnh và đưa về giá trị thực của dự án. Dòng chảy của thị trường sẽ quyết định giá trị thật của những dự án trong tương lai.

Về mảng mới là LNG, Công ty sẽ triển khai thế nào khi ngành này đòi hỏi nhiều tiêu chí khắt khe?

Hiện tại ở Việt Nam LNG là lĩnh vực mới, đòi hỏi thời gian dài nghiên cứu và nguồn vốn dồi dào để triển khai, đây cũng là lĩnh vực giúp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Trong lĩnh vực này, chiến lược của BCG là đi cùng với người khổng lồ trên thế giới.

Hiện tại, chúng tôi chỉ có thể chia sẻ như vậy vì LNG thực tế là kế hoạch trung hạn của BCG, và không thể làm nhanh được.

Kế hoạch phát hành 60 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược đang thực hiện thế nào? Kế hoạch tăng vốn trong năm 2022?

Đến nay BCG đã có xác nhận của 1-2 đối tác. Hiện, các bên vẫn đang thương thảo, có thể trong vòng 1 tháng tới là BCG sẽ có kết quả chính thức và thông báo rộng rãi.

Về kế hoạch tăng vốn, BCG dự kiến sẽ trình ĐHĐCĐ 2022 kế hoạch tăng vốn điều lệ của BCG lên mốc 10.000 tỷ. Ngoài ra, các công ty thành viên cũng đã có kế hoạch tăng vốn cụ thể để tài trợ cho các dự án đang và chuẩn bị triển khai.

Chỉ số nợ/vốn của BCG ở mức khá cao, BCG sẽ làm gì để cải thiện?

Nếu nhìn vào một doanh nghiệp sản xuất bình thường thì tỷ lệ nợ/VCSH là cao. Nhưng với một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, đặc biệt là các lĩnh vực thâm dụng vốn như BCG thì tỷ lệ nợ này không phải là không hợp lý.

Điều quan trọng là nợ nhưng BCG có phương án trả nợ, các khoản nợ đều dung để đầu tư vào các dự án cụ thể, và về dài hạn BCG cũng đặt chủ trương phải giảm tỷ lệ này để đạt mức phát triển bền vững.

Dòng tiền kinh doanh BCG hiện vẫn âm, vậy tình hình thanh khoản thực tế BCG hiện như thế nào?

Như đã nói, chúng ta phải nhìn lại mô hình của BCG là một công ty đầu tư vào các lĩnh vực thâm dụng vốn và đang vẫn ở giai đoạn tiếp tục đầu tư. Cho nên, dòng tiền đi ra liên quan đến các hoạt động là lớn trong thời gian này.

Ngược lại, dòng doanh thu vẫn ổn định, đặc biệt là mảng năng lượng tái tạo dù quy mô đóng góp hiện vẫn còn nhỏ so với mảng bất động sản.

Rủi ro lớn nhất hiện nay theo nhìn nhận của BCG là gì?

Theo chúng tôi nhận thấy, rủi ro lớn nhất là những thay đổi về thị trường, về môi trường kinh doanh, về nguồn nguyên liệu, đặc biệt trước ảnh hưởng của đại dịch.

Ngoài ra, chúng ta nhìn thấy đại dịch cũng thay đổi phần lớn thói quen người tiêu dùng, sự vận hành logistics, cách tiếp cận vấn đề… Nhìn chung, có những vấn đề chúng ta nhìn thấy ngay hôm nay, có những vấn đề có thể dự đoán được nhưng cũng có những vấn đề chúng ta chưa thể nào biết hay lường trước được.

Quản trị sự thay đổi là một trong những vấn đề mà BCG chú trọng, chúng tôi có những cuộc họp chiến lược định kỳ nhằm đánh giá tình hình và thay đổi chính mình liên tục, nhằm thích ứng kịp thời với sự thay đổi, biến động rất nhanh của thị trường đầu tư.

Năm 2022, nhà đầu tư có thể chờ đợi những chuyển biến gì đáng chú ý ở BCG không, thưa ông?

Đó sẽ luôn luôn xoay quanh việc M&A các dự án mới, đầu tư vào những lĩnh vực quen thuộc nhưng dự án sẽ mang tính trọng điểm hơn. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác có uy tín để cùng phát triển các dự án và đưa ra các sản phẩm tốt cho thị trường. Trách nhiệm của chúng tôi là đưa ra những quyết định đầu tư tốt để tối ưu hóa lợi ích của cổ đông. Đây là những điều mà các cổ đông có thể kỳ vọng.

15. Với những bước đi mới mẻ năm qua, định hướng BCG trong 5 năm tới là gì?

Chúng tôi đặt mục tiêu là một trong những doanh nghiệp thuộc Top VN30. Đây là một tham vọng lớn nhưng có cơ sở. Với tốc độ phát triển hiện tại, BCG có thể đạt mục tiêu này nếu chú trọng nâng cao năng lực quản trị và năng lực cán bộ lõi.

https://cafef.vn/ong-pham-minh-tuan-nam-2021-bamboo-capital-bcg-con-nhieu-tiec-nuoi-2022-se-tang-von-len-10000-ty-dong-va-day-manh-mang-kinh-doanh-loi-la-ma-20220119143413846.chn