Sáng nay, ngày 4 tháng 1 năm 2022, Quốc hội họp phiên bất thường và 1 trong 4 nội dung của kỳ họp là thảo luận Tờ trình của Chính phủ về cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
GS. Trần Thọ Đạt (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) nhận định rằng thiệt hại kinh tế do đại dịch Covid-19 là rất nghiêm trọng, tuy không dẫn đến tăng trưởng âm như nhiều nước, nhưng lại kéo dài đã 2 năm, tạo đáy chữ U chứ không phái chữ V như nhiều nước. Do vậy, việc đề xuất gói kích thích kinh tế mạnh hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn là cần thiết để nền kinh tế thoát đáy bắt nhịp với đà phục hồi của kinh tế thế giới. Hiện tại, mặc dù quy mô của chương trình hỗ trợ đang chờ Quốc hội phê duyệt, nhưng những thông tin cơ bản đã được “lên sóng”. Nhiều ý kiến cho rằng chính sách tài khóa thời gian qua là khá “rụt rè” khi so sánh hỗ trợ của ta tính theo tỷ trọng trên GDP là thấp hơn nhiều so với con số 10%, 20% thậm chí 40% của một số nước. Tuy nhiên, việc xem xét quy mô của chương trình hỗ trợ vẫn cần thận trọng và phải đặt trong tổng thể thâm hụt và “sức chịu đựng” của tình hình tài khóa hiện nay. Một điểm lưu ý là với mức thâm hụt ngân sách khoảng 4% duy trì trong nhiều năm qua, cán cân ngân sách của ta có thể đang tương đương với tình hình của một số nước trong khu vực khi họ đã tung ra gói kích thích khá lớn trong thời gian vừa qua.
Tiếp đến, theo GS. Trần Thọ Đạt, quy mô gói hỗ trợ bao nhiêu cũng cần phải tính trên “nguồn” có thể huy động. Bài toán xác định “nguồn” cần tìm đến những biến số, các yếu tố chắc chắn trước mang tính cơ cấu lại ngân sách, các yếu tố bổ sung ngân sách từ nguồn chủ động không phải vay, rồi mới đến các yếu tố vay nợ. Theo đó, khoản chi thường xuyên hiện đang chiểm tỷ trọng hơn 60% ngân sách cần được rà soát lại, cắt giảm các khoản không cần thiết như đi lại hội họp, công tác nước ngoài,… Một nguồn quan trọng khác có thể huy động được mà vẫn thường xuyên được coi là “chậm tiến độ” chính là thoái vốn doanh nghiệp nhà nước. Tiến trình cổ phần hóa, tốc độ thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước trên sàn hiện nay đang rất chậm, thường xuyên không đạt kế hoạch đề ra. Nghịch lý đang diễn ra là trong khi nền kinh tế, các doanh nghiệp đang khát vốn thì một lượng vốn lớn và tài nguyên của các doanh nghiệp nhà nước đang được sử dụng chưa hiệu quả. Tiếp đến, một kênh huy động nguồn đang khá thuận lợi hiện nay là vay từ các tổ chức và định chế tài chính quốc tế. Mặc dù Việt Nam đã “tốt nghiệp” ODA khi bước vào một giai đoạn phát triển mới với tư cách là nước có mức thu nhập trung bình, những các nguồn tài chính chính thức khác lại gia tăng và vẫn khá ưu đãi. Cuối cùng, mới tính đến phương án phát hành trái phiếu chính phủ để tài trợ chương trình hỗ trợ.
Về cơ cấu ưu tiên chi của gói hỗ trợ, ông Trần Thọ Đạt đề xuất do dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp với các biến thể mới, ưu tiên dành ngân sách bổ sung cho phòng chống dịch cần được đặt lên hàng đầu. Mặt khác, người dân và doanh nghiệp đang kiệt quệ qua các đợt dịch kéo dài, do vậy cần dành một tỷ lệ thích đáng của gói hỗ trợ dưới dạng tiền tươi thóc thật. Nếu hỗ trợ tiền mặt cho tất cả người dân có thể bị xem là cào bằng thì cần khẩn trương và mạnh dạn mở rộng hỗ trợ tiền mặt cho các đối tượng bị suy giảm thu nhập, chứ không nên chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ những đối tượng giảm sâu thu nhập,… Thông qua hỗ trợ kịp thời tiền mặt, việc tăng tiêu dùng từ người dân sẽ có tác động tức thì “theo số nhân chi tiêu”, qua đó giải tỏa hàng hóa cho doanh nghiệp trong bối cảnh sức mua đang khá yếu hiện nay. Cần ban hành và thực thi khẩn trương các chính sách hỗ trợ người lao động di cư phải thuê nhà nhằm tránh tình trạng đứt gãy nguồn cung lao động khi trở lại trạng thái bình thường mới. Có thêm những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn qua các kênh phi chính thức đối với đối tượng người lao động di cư không có đăng ký và người lao động tự do trong khu vực phi chính thức.
Ông Đạt nhấn mạnh rằng hỗ trợ tài khóa không nhất thiết là một chiều tăng chi hỗ trợ. Trong bối cảnh hiện nay, khi tính cấp bách của việc cần hỗ trợ kịp thời, hỗ trợ nhanh, việc ưu tiên giảm chi phí như giảm thuế, phí (ví dụ giảm thuế môi trường với xăng, dầu) cần được thực hiện nhanh và mạnh hơn. Chi phí và tổn thất phát sinh do phòng chống dịch bệnh của doanh nghiệp đang gia tăng, tạo ra gánh nặng rất lớn với các doanh nghiệp vốn đã kiệt sức do dịch bệnh kéo dài, do vậy việc ban hành và thực thi các chính sách nhằm bình ổn giá nguyên liệu đầu vào sản xuất, chi phí lưu thông, vận chuyển hàng hóa là hết sức cần thiết. Tránh hỗ trợ dàn trải, bình quân, liều lượng hỗ trợ thấp do dư địa không cho phép thực hiện bao phủ quá nhiều đối tượng. Cùng với hỗ trợ theo diện rộng, trong giai đoạn phục hồi, các chính sách hỗ trợ cần chọn lọc, tập trung hơn vào các doanh nghiệp có ảnh hưởng lan tỏa quan trọng đến các khu vực khác trong nền kinh tế để tránh tình trạng đổ vỡ dây chuyền trong nền kinh tế.
Theo GS. Trần Thọ Đạt, hỗ trợ đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công là giải pháp đúng, song về quy mô cần xem xét kỹ. Nguồn lực của quốc gia bao giờ cũng có hạn, nhất là trong bối cảnh ngân sách đang thâm hụt mà vẫn phải “căng mình” để bơm thêm gói hỗ trợ, do đó việc tiền phải phân bổ vào đâu để mang lại hiệu quả cao nhất, trả nợ trong tương lai chính là lời giải của bài toán phân bổ tối ưu nguồn lực. Hỗ trợ đầu tư công cần được xem xét về hiệu quả dài hạn, không chạy theo số lượng, không “lấn át” đầu tư tư nhân (kể cả thông qua cạnh tranh nguồn tín dụng trong nước), tạo hiệu ứng “lôi kéo” đầu tư tư nhân và hỗ trợ sự phát triển của khu vực tư nhân trong nước.
Ông Đạt lưu ý trong quá trình chuyển đổi từ cứu trợ sang hỗ trợ phục hồi và phát triển, chi ngân sách cần hướng đến xu hướng cấu trúc thay đổi của nền kinh tế hậu đại dịch thông qua các gói kích thích số, đầu tư vào công nghệ số và cơ sở hạ tầng đóng vai trò hỗ trợ cho toàn bộ nền kinh tế, tăng tốc đổi mới và số hóa nền kinh tế, các chính sách hỗ trợ tài chính cho khởi nghiệp. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để xem xét, cân nhắc lại một số sắc thuế nhằm khuyến khích chuyển đổi số, sản xuất thông minh, phát triển năng lượng xanh – sạch, nông nghiệp sinh thái.
Về chính sách tiền tệ, GS. Trần Thọ Đạt nhấn mạnh cần bám sát tình hình kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, kiểm soát tăng trưởng tín dụng phù hợp thông qua việc chủ động và linh hoạt điều chỉnh lãi suất điều hành, tỷ lệ dự trữ bắt buộc khi cần, chủ động duy trì ổn định mặt bằng lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, giảm chi phí vay vốn cho doanh nghiệp và người dân. Việc thực hiện gói hỗ trợ lãi suất cần rút ra các bài học kinh nghiệm về đối tượng thụ hưởng và thời gian thực hiện.
Theo Ông Đạt, trong khi nhiều đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam đã triển khai các giải pháp “rút củi đáy nồi” để ứng phó với lạm phát gia tăng sau khi đã tung gói hỗ trợ lớn chưa từng có, thì các nước đang phát triển ở châu Á, trong đó có nước ta đi chậm hơn trong pha hồi phục kinh tế thì việc triển khai hỗ trợ đầu tư và chi tiêu sẽ phái tính thêm yếu tố ràng buộc là nguy cơ lạm phát. Do vậy, phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ sao cho từng chính sách phát huy được hết hiệu lực và phối hợp với nhau có hiệu quả là chìa khóa để chương trình hỗ trợ đạt được mục tiêu: nền kinh tế sớm quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô được giữ vững.
Trong cơ chế phối hợp này, về nguyên tắc chính sách tài khóa vừa có tác dụng cứu trợ và hỗ trợ, trong khi chính sách tiền tệ có tác dụng hỗ trợ là chủ yếu. Chính sách tài khóa cần phối hợp với chính sách tiền tệ nhằm đảm bảo dòng tiền, khả năng thanh khoản, đạt được cân bằng tối ưu của ít nhất hai biến số là tăng trưởng và lạm phát. Về tổng thể, cần kiểm soát lạm phát và lãi suất ở mức mục tiêu, tỷ giá ổn định, hệ thống tài chính tiền tệ an toàn, thì nền kinh tế mới có thể hồi phục nhanh chóng sau đại dịch. Trong cơ chế phối hợp hai chính sách này, cần có sự quyết đoán, đúng thời điểm, đủ liều lượng của chính sách tài khóa khi kích thích tổng cầu, và khi có bất cứ nguy cơ đẩy lạm phát lên cao cần được “trung hòa” bằng điều chỉnh dòng tiền kịp thời thông qua hoạt động thị trưởng mở của chính sách tiền tệ. Nỗ lực phối hợp cần đảm bảo quản lý ngân quỹ nhà nước tốt hơn, hỗ trợ và phối hợp Kho bạc nâng cao năng lực quản lý dòng tiền của nền kinh tế. Mặt khác, khi chính sách tệ cần được mở rộng để hỗ trợ thanh khoản, nguy cơ lạm phát lên cao, cần có sự hỗ trợ của chính sách tài khóa và kể cả chính sách thương mại, giá cả trong việc giảm thuế, giảm chi phí đầu vào, không tạo kỳ vọng lạm phát.
GS. Trần Thọ Đạt cho rằng trong quá trình phối hợp các chính sách tài khóa và tiền tệ, không có công thức chung và lời giải chắc chắn đúng. Bất kỳ phương án nào cũng đòi hỏi một mức độ quyết đoán và chấp nhận rủi ro, do vậy để có quyết định hợp lý nhất, các cơ quan phê duyệt và hoạch định, triển khai thực thi thuộc thẩm quyền Quốc hội và Chính phủ cần có được những dữ liệu chính xác, kịp thời và đầy đủ nhất về các chỉ số kinh tế vĩ mô, các chỉ số dự báo biến động thị trường để có sự phối hợp chủ động, chặt chẽ và hiệu quả. Để thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và Nghị định của Chính phủ trong việc triển khai chương trình kích thích, sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ cần được thể hiện ở các kịch bản nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế vĩ mô và hạn chế tối đa các rủi ro về tài khóa và tiền tệ đối với nền kinh tế. Điều quan trọng nhất là phải bảo đảm rằng các nguồn lực có thể được huy động và sử dụng cho những khoản đầu tư có hiệu quả, nền kinh tế sớm phục hồi, ngân sách được cải thiện, rủi ro nợ công được giảm thiểu và nền kinh tế trở lại quỹ đạo phát triển bền vững hơn.