Khả năng chống lại biến thể Delta của các loại vắc-xin do Trung Quốc sản xuất cho đến nay vẫn chưa thực sự rõ ràng. Tuy nhiên, câu hỏi này đã được trả lời bằng thực tế ở những quốc gia – nơi biến thể Delta và Gamma đã trở nên phổ biến.
Các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng các vắc-xin của Trung Quốc ít hiệu quả hơn so với những loại khác, nhưng vẫn tăng khả năng miễn dịch của cơ thể, giúp chống lại những triệu chứng nặng hoặc nguy cơ tử vong. Trong khi đó, các chuyên gia lập luận, những loại vắc-xin này – đã được WHO phê duyệt, là cần thiết cho các quốc gia có nhu cầu sử dụng.
Tại Brazil, nơi biến thể Gamma đang phổ biến, một nghiên cứu được công bố vào tháng trước với 76 triệu người cho thấy rằng, vắc-xin AstraZeneca có hiệu quả khoảng 90% trong việc giảm số ca nhập viện, ICU và tử vong. Trong khi đó, tỷ lệ của Sinovac là 75%.
Các nhà nghiên cứu cho biết, sự chênh lệch đó có thể là do 2 loại vắc-xin được sản xuất theo công nghệ khác nhau. Các vắc-xin bất hoạt như Sinopharm và Sinovac sử dụng phiên bản virus đã bị triệt tiêu để phá huỷ khả năng gây bệnh, trong khi vắc-xin với công nghệ vector Adenovirus sử dụng loại virus đã biến đổi và vô hại để kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể.
Một nghiên cứu ở Chile được công bố trong tháng này được công bố trên Tạp chí Y học New England cho thấy vắc-xin CoronaVac của Sinovac có hiệu quả trong việc ngăn ngừa khả năng nhiễm bệnh là 65,9%, nhập viện 87,5%, ICU 90,3% và tử vong 86,3%.
Tuy nhiên, theo Zheng Zhongwi – một quan chức của Uỷ ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, trưởng nhóm phát triển vắc-xin của Trung Quốc, cho biết, sự so sánh như vậy không hẳn là công bằng với các loại vắc-xin bất hoạt. Ông nói, khả năng miễn dịch của tất cả các vắc-xin Covid-19 sẽ suy giảm sau 3 tháng. Thậm chí, ở 1 số quốc gia, vắc-xin bất hoạt đã được sử dụng 2 hoặc 3 tháng trước khi các loại khác xuất hiện.
Zheng cho hay: “Tôi không muốn nói loại vắc-xin nào cung cấp khả năng phòng vệ tốt hơn. Nhưng tôi hy vọng việc này sẽ được nhìn nhận một cách khoa học hơn.”
WHO cũng cho biết không thể so sánh các loại vắc-xin với nhau trực tiếp vì các nhà sản xuất có những phương pháp tiếp cận khác nhau để đưa ra những nghiên cứu khác nhau. Cơ quan này nói thêm, tất cả các loại vắc-xin họ đã phê duyệt để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp đều có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa những triệu chứng nghiêm trọng của Covid-19.
Bác sĩ Annelies Wilder-Smith – chuyên gia tư vấn của WHO, và bác sĩ Kim Muholland – thành viên của Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược của WHO về tiêm chủng, cho biết trong một bài viết về nghiên cứu Sinovac của Chile rằng hiệu quả của loại vắc-xin này vẫn là “đáng kể”. Sự chênh lệch đó có nguyên nhân một phần là do khả năng chống lại triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng ở mức yếu và hiệu quả của vắc-xin đang suy yếu.
Theo đó, Trung Quốc cũng đưa ra thông báo rằng họ sẽ cung cấp liều thứ 3 của vắc-xin bất hoạt để hỗ trợ thêm người lớn tuổi và những người có nguy cơ cao. Tại UAE, Bahrain, Indonesia và Brazil, vắc-xin mRNA hoặc véc-tơ đã được tiêm cho người cao tuổi và nhân viên y tế.
Sinovac và Sinopharm đã đồng ý cung cấp tổng cộng 110 triệu liều từ tháng 7 đến tháng 9 và thêm 440 triệu liều vào tháng 6 tới thông qua cơ chế Covax. Bắc Kinh cũng cam kết xuất khẩu 2 tỷ liều trong năm nay và đã cung cấp 990 triệu liều.
Hsu Li Yang – phó giáo sư và chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết tất cả các loại vắc-xin được WHO phê duyệt đều có hiệu quả cao trong việc chống lại Covid-19 cả ở những ca có triệu chứng nghiêm trọng và tử vong, vắc-xin bất hoạt không có sự tụt hậu đáng kể.
Ông nói: “Hiệu quả lâu dài là một điều không chắc chắn đối với tất cả các loại vắc-xin.”
Tham khảo SCMP