SHB có thể tăng lợi nhuận 70% lên 5.600 tỷ trong năm nay nhờ vào đâu?

SHB có thể tăng lợi nhuận 70% lên 5.600 tỷ trong năm nay nhờ vào đâu?

Theo báo cáo phân tích mới đây, bộ phận phân tích của chứng khoán SSI ước tính, năm 2021, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng SHB sẽ đạt 5,6 nghìn tỷ đồng tăng tới 70% so với cùng kỳ, sát với kế hoạch của ngân hàng. 

Mức tăng trưởng này dựa trên ước tính tăng trưởng tổng thu nhập hoạt động hấp dẫn ( tăng khoảng 20%) và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm ( giảm 14%). SSI dự báo dư nợ của ngân hàng tăng 14% so với cùng kỳ, trong đó tổng tăng trưởng tín dụng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) là 15% so với cùng kỳ. NIM tăng 34 bps lên 3,17% giúp thu nhập lãi ròng tăng 28% so với cùng kỳ. Chi phí huy động tiền gửi bình quân giảm 47 bps còn 6% trong năm 2021 – đây là động lực chính giúp NIM cải thiện. 

SSI cũng cho rằng hệ số CIR (chi phí hoạt động/doanh thu) cũng được cải thiện, giảm 0,5% xuống 34,7%. Hiện CIR của ngân hàng cũng đã ở mức thấp nhất trng 12 năm qua. 

Trong năm qua, SHB đã xóa nợ 3.000 tỷ đồng, giảm tỷ lệ nợ xấu xuống 1,83% năm 2020 từ mức 1,91% năm 2019. Số dư trái phiếu VAMC (sau khi trích lập dự phòng) giảm 13% còn 3.500 tỷ đồng. Tài sản có vấn đề giảm 520 tỷ đồng xuống 1.300 tỷ đồng, chủ yếu do dư nợ với Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC).

Tỷ lệ nợ xấu (bao gồm trái phiếu VAMC và tài sản tồn đọng thuộc đề án sáp nhập HBB) giảm từ 4,02% năm 2019 xuống 3,35% năm 2020. SHB đặt mục tiêu xóa hết trái phiếu VAMC và tài sản có vấn đề trong năm 2023.

Ngân hàng dự kiến trình ĐHCĐ năm 2021 phương án chi trả cổ tức bằng cổ phiếu cho năm 2020 với tỷ lệ 10,5% vốn điều lệ. Trước đó, SHB đã lên kế hoạch chi trả cổ tức năm 2019 (10% bằng cổ phiếu) đã được ĐHCĐ thông qua, tuy nhiên kế hoạch này chưa được thực hiện. Nếu được thông qua, SHB sẽ chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tổng tỷ lệ là 20,5%. Từ nay đến năm 2023, khi toàn bộ trái phiếu VAMC và tài sản tồn đọng được xử lý hết, SHB sẽ tiếp tục duy trì chính sách chi trả cổ tức bằng cổ phiếu.