Tài chính ngân hàng tuần qua: Hàng loạt ngân hàng được nới room tín dụng, lãi suất cho vay giảm sâu

Tài chính ngân hàng tuần qua: Hàng loạt ngân hàng được nới room tín dụng, lãi suất cho vay giảm sâu

Tuần từ ngày 12 – 18/7/2021, hoạt động ngân hàng có nhiều thông tin đáng chú ý. Bên cạnh việc hàng loạt các nhà băng công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm, cổ phiếu ngân hàng sụt giảm mạnh trong thì có hai thông tin quan trọng hơn hết, gây được sự chú ý đặc biệt của thị trường cũng như người dân, doanh nghiệp đó là việc giảm lãi suất cho vay và các ngân hàng được nới room tăng trưởng tín dụng.

Đồng loạt giảm lãi suất cho vay từ 15/7 đến hết năm 2021, không bao gồm bất động sản và chứng khoán

Cụ thể, ngày 12/7, Hiệp hội Ngân hàng đã họp với 16 tổ chức tín dụng trong hệ thống về việc “vận động” triển khai giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế do tác động của dịch bệnh Covid-19. Kết quả cuộc họp, các ngân hàng đều đồng thuận sẽ giảm lãi suất cho vay với các khoản dư nợ hiện hữu, trong đó đặc biệt ưu tiên những đối tượng thực sự bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Sau cuộc họp, hàng loạt ngân hàng đã thông báo giảm lãi suất. Sacombank, ACB và MB là 3 ngân hàng đầu tiên phát đi thông báo giảm lãi suất, tiếp đến các ngân hàng như Vietcombank, BIDV, TPBank, Agribank, VIB, Viet Capital Bank…cũng công bố giảm lãi suất. Mức giảm của các ngân hàng phổ biến bình quân là 1%/năm so với lãi suất hiện hành, áp dụng từ 15/7 cho đến hết năm 2021. 

Cụ thể, tại MB, các khách hàng thuộc đối tượng Cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 & Thông tư 03 được giảm lãi suất 1,5%/năm so với mức hiện tại và giảm 50% số tiền lãi phải thu của các khách hàng đến thời điểm hiện tại (tương đương mức lãi suất cho vay giảm 3 – 4%/năm). Khách hàng thuộc lĩnh vực sản xuất, dịch vụ/ngành ưu tiên, khuyến khích tăng trưởng tín dụng của MB, Ngân hàng nhà nước được giảm lãi suất 1,5%/năm so với mức hiện tại. Khách hàng cá nhân vay sản xuất kinh doanh và vay mua nhà để ở, có nguồn thu nhập từ lương được giảm lãi suất 2%/năm so với mức hiện tại đối với các khách hàng tại địa bàn khu vực phía Nam và giảm 1,5% đối với các khách hàng ở địa bàn khác. Khách hàng doanh nghiệp vay vốn lưu động hoặc đầu tư thiết bị, nhà xưởng phục vụ sản xuất kinh doanh được giảm lãi suất 1%/năm so với mức hiện tại.

BIDV trong khi đó thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu bình quân 1%/năm, một số nhóm khách hàng khó khăn mức giảm tối đa là 2%/năm so với lãi suất hiện hành. Cụ thể, các khách hàng được giảm lãi suất gồm: Nhóm khách hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch COVID-19 (lĩnh vực lưu trú, dịch vụ nhà hàng, resort, khách sạn, vận tải….); Các khách hàng tại các chi nhánh thuộc vùng dịch, doanh nghiệp sản xuất thiết yếu cho nền kinh tế, doanh nghiệp có lực lượng lao động lớn; Các khách hàng suy giảm trong hoạt động kinh doanh.

Tại VIB, nhà băng này quyết định giảm lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với mức giảm trung bình 1,5%. Theo ước tính ban đầu, sẽ có hơn 8.500 khách hàng được giảm lãi suất là các doanh nghiệp thuộc ngành nghề ưu tiên của Chính phủ, doanh nghiệp SME, khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Vietcombank cũng thông báo giảm lãi suất cho tất cả các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân. Đối với khách hàng doanh nghiệp, Vietcombank giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng thuộc 9 ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh còn các khách hàng doanh nghiệp còn lại cũng được giảm 1%/năm. Đối với khách hàng cá nhân, Vietcombank giảm lãi suất tới 1%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và giảm lãi suất tới 0,5%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ đời sống.

TPBank trong khi đó thông báo giảm từ 0,5% – 1,2%/năm lãi suất cho các khách hàng doanh nghiệp hoạt động gặp khó khăn bởi dịch bệnh Covid. Tổng dư nợ được nhận hỗ trợ lãi suất của nhóm khách hàng này ước tính vào khoảng 18.188 tỷ đồng. Gần 26.300 tỷ đồng dư nợ của các khách hàng cá nhân cũng nhận được xét giảm lãi suất 1%.

Ngoài việc giảm lãi suất đồng loạt từ 15/7 cho nhiều đối tượng khách hàng, các nhà băng cũng đồng loạt thông báo chưa xem xét giảm lãi suất cho các khoản vay tiềm ẩn rủi ro như như vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản…

Nới room tăng trưởng tín dụng cho hàng loạt ngân hàng

Ngày 14/7, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi các ngân hàng về việc chấp thuận điều chỉnh room tăng trưởng tín dụng. Theo đó, mức tăng trưởng tín dụng được cấp thêm (điều chỉnh tăng so với chỉ tiêu cũ) từ 3 đến gần 6 điểm %.

Trong đó TP. là ngân hàng được cấp room thêm cao nhất, tới gần 6%, lên tổng cộng 17,4% cho cả năm. Ngân hàng M. mức tăng trưởng tín dụng cũ là 10,5% thì nay được lên 15%, tương đương tăng room thêm 4,5%. Ngân hàng V. có hạn mức tăng trưởng tín dụng ban đầu chỉ 8,5% nay được nới lên 12,1% khi nửa đầu năm cũng đã dùng kha khá room cả năm. Ngân hàng V. khác thì được nới lên mức tăng trưởng từ 10% lên 14% như năm 2020 sau khi nhà băng này đã tăng trưởng tín dụng gần 10% trong 6 tháng đầu năm. Ngân hàng S. được cấp room tín dụng ban đầu là 6,5%, nay được nới lên 10,5%…

Theo NHNN, việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được thực hiện trên cơ sở đề nghị của tổ chức tín dụng, đánh giá tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng TCTD; ưu tiên đối với TCTD thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của NHNN giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân.