Ở thời điểm hiện tại, lực lượng cứu hộ Indonesia đã xác định được vị trí chiếc máy bay của hãng hàng không Sriwijaya Air gặp nạn. Một số mảnh vỡ của chiếc Boeing 737-500 đã được trục vớt, có thể bao gồm cả hộp đen của phi cơ. Theo Chủ tịch ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia Soerjanto Tjahjono cho biết, chiếc phi cơ còn nguyên vẹn trước khi lao xuống biển.
Các đội tìm kiếm đã phát hiện ra tiếng ping đặc trưng, vốn được phát ra từ hộp đen khi cảm biến phát hiện nó rơi xuống biển. Mỗi máy bay có 2 hộp đen, một hộp ghi dữ liệu chuyến bay, chiếc còn lại ghi âm buồng lái. Chúng có thể phát tín hiệu định vị trong nhiều ngày sau khi rơi xuống nước để giúp các nhà điều tra tìm ra vị trí của chúng.
Indonesia là một trong những thị trường hàng không phát triển nhanh nhất trên thế giới trước khi đại dịch Covid-19 nổ ra. Tuy nhiên, quốc gia này cũng có danh sách dài những vụ tai nạn máy bay thảm khốc. Với hơn 17.000 hòn đảo, Indonesia đã có 104 vụ tai nạn máy bay với 2.353 người tử vong. Máy bay của nước này cũng bị cấm bay vào Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2007 tới năm 2018.
Thời tiết từng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều máy bay rơi ở Indonesia và cũng có thể là nguyên nhân của vụ tai nạn lần này. Vào ngày sự cố xảy ra, thủ đô Jakarta, nơi máy bay cất cánh, có mưa lớn và gió mùa. Chiếc máy bay đã bị hoãn cất cánh tới 90 phút. Báo cáo thời tiết chính thức của sân bay khoảng 10 phút trước khi tai nạn xảy ra cho biết trời có mưa nhẹ với trần mây ở độ cao 550m so với mặt đất.
Bốn phút sau khi cất cánh, các kiểm soát viên không lưu nhận thấy máy bay không đi đúng hướng đã được chỉ định. Họ đã liên lạc bằng radio với phi hành đoàn nhưng trong vài giây, máy bay biến mất khỏi màn hình radar. Theo Flightradar24, máy bay chững lại ở độ cao hơn 3km trước khi đâm xuống biển chỉ trong vòng 14 giây. Điều đó có nghĩa máy bay rơi xuống với vận tốc 12km/phút.
John Cox, chủ tịch Hệ thống Vận hành An toàn và là cựu phi công của Boeing 737, cho biết các thông tin cho thấy máy bay còn nguyên vẹn khi lao xuống biển. Thậm trí, vị trí của nó vẫn được phát đi khi rơi xuống, đồng nghĩa hệ thống điện dường như vẫn hoạt động trong suốt chuyến bay.
Cox chỉ ra nguyên nhân phổ biến nhất khiến máy bay rơi thẳng xuống là lỗi khí động học, trong đó cánh mất lực nâng. Tuy nhiên, điều này dường như đã không xảy ra trong sự cố lần này. Các tai nạn liên quan đến lực nâng, chẳng hạn như vụ với chuyến bay 447 của Air France ở Đại Tây Dương năm 2009, máy bay rơi chậm hơn.
“Theo những gì mà chúng ta biết ở thời điểm hiện tại, rất khó để máy bay lao xuống nhanh như vậy. Nếu dữ liệu này chính xác, đó sẽ là một sự cố vô cùng nghiêm trọng”, Cox cho biết.
Chiếc Boeing 737-500 gặp nạn là mẫu phi cơ với tuổi đời hàng thập kỷ. Nó không phải mẫu 737 MAX đang chật vật tìm đường trở lại của Boeing. Tuy nhiên, Boeing 737-500 là mẫu máy bay an toàn nhất hiện nay.