Thí điểm khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip, những người chưa có CCCD gắn chip thì sao?

Thí điểm khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip, những người chưa có CCCD gắn chip thì sao?

Ngày 6/1, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến 2030.

Theo đó, một trong những mục tiêu cụ thể trong năm 2022 là “Bảo đảm từng bước thay thế các giấy tờ cá nhân trên cơ sở tích hợp, xác thực các thông tin, giấy tờ cá nhân vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chỉ cần sử dụng thẻ Căn cước công dân (CCCD), ứng dụng định danh điện tử quốc gia của Bộ Công an (VNEID), trong đó tập trung thực hiện ngay đối với một số giấy tờ như thẻ bảo hiểm y tế (BHYT)”.

Ngày 28/2, Bộ Y tế ra Công văn 931/BYT-BH hướng dẫn triển khai thí điểm khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip, trong đó cho phép dùng CCCD gắn chip thay cho thẻ BHYT.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Thủ trưởng các đơn vị chuẩn bị kế hoạch và nguồn lực để triển khai tiếp đón, tổ chức khám, chữa bệnh cho người bệnh có CCCD gắn chip tích hợp mã thẻ BHYT hoặc qua ứng dụng VNEID.

Cụ thể, những cơ sở khám, chữa bệnh thông báo công khai cho người bệnh biết và triển khai tiếp đón người bệnh khi đi khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD có gắn chip hoặc qua ứng dụng VNEID. Lưu ý, trường hợp này chỉ áp dụng đối với công dân đã đăng ký thành công tài khoản định danh điện tử do Bộ Công an cung cấp .

Đối với người bệnh đã được cấp CCCD có gắn chip, với trường hợp khi kiểm tra CCCD (quét mã QR code) hoặc qua ứng dụng VNEID đã có thông tin hợp lệ về tham gia BHYT thì cơ sở KCB thực hiện kiểm tra, đối chiếu thông tin về BHYT và tiếp đón người bệnh theo quy trình KCB BHYT hiện hành.

Đồng thời, cơ sở cần thông tin cho người bệnh biết để đi khám, chữa bệnh BHYT kể từ lần sau bằng CCCD gắn chip hoặc bằng ứng dụng VNEID.

Còn với trường hợp khi kiểm tra thông tin nhưng không có thông tin hợp lệ về tham gia BHYT, các cơ sở cần giải thích để người bệnh đó biết tình trạng của thẻ BHYT trên CCCD chưa thể thực hiện được.

Sau đó, các cơ sở thực hiện tiếp đón người bệnh theo quy trình khám chữa bệnh BHYT hiện hành (bao gồm các bước xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh).

Đối với người bệnh chưa được cấp CCCD có gắn chip, các cơ sở cần thực hiện tiếp đón người bệnh theo quy trình khám chữa bệnh BHYT hiện hành (xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh).

Nếu chưa có thẻ CCCD gắn chip thì người dân nên làm gì?

Đối với người chưa có thẻ CCCD gắn chip người dân nên đăng ký tài khoản định danh điện tử. Ngoài có giá trị sử dụng thay Căn cước công dân, hộ chiếu như trên, tài khoản định danh điện tử còn có giá trị thay thế các loại giấy tờ mà công dân đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia như: Giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế. Đồng thời, thực hiện các giao dịch tài chính (thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội, y tế, chuyển tiền…

Theo Điều 6, Điều 7 của Quyết định 34/2021/QĐ-TTg, người dân cần đăng ký tài khoản định danh điện tử thông qua ứng dụng định danh điện tử và kê khai các thông tin gồm: Số định danh cá nhân, số hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế (đối với người nước ngoài), họ tên, ngày tháng năm sinh, giới thính, quốc tịnh (đối với người nước ngoài) và số điện thoại cùng email.

Người dân phải làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại Căn cước công dân gắn chip thì có thể đồng thời đăng ký tài khoản định danh điện tử. Cụ thể, người dân cần thông báo với cán bộ về việc làm hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử.

Trường hợp công dân có nhu cầu đăng ký tích hợp các thông tin hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia các loại giấy tờ như giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, …thì mang thêm các loại giấy tờ gốc để đối chiếu.

Như vậy, lưu ý quan trọng với những ai chưa đi làm Căn cước công dân gắn chip, khi đi làm loại giấy tờ tùy thân này, người dân nên báo với cán bộ về việc cấp tài khoản định danh điện tử.