Thị trường BĐS khát nhà ở giá thấp, tồn kho căn hộ cao cấp, nghỉ dưỡng

Thị trường BĐS khát nhà ở giá thấp, tồn kho căn hộ cao cấp, nghỉ dưỡng

Theo Bộ Xây dựng, đối với dự án phát triển nhà ở thương mại, năm 2021 cả nước có 252 dự án với 99.958 căn hộ được cấp phép, bằng khoảng 34% so với năm 2020. Trong đó, thị trường ghi nhận 1.046 dự án với 299.075 căn hộ đang được triển khai xây dựng, bằng khoảng 88,5% so với năm 2020. Đồng thời, thị trường có 172 dự án với 24.027 căn hộ đã hoàn thành xây dựng, bằng khoảng 59,7% so với năm 2020.

Đối với dự án nhà ở xã hội, trên cả nước có 9 dự án được cấp phép mới với quy mô 5.763 căn hộ; có 16 dự án với 3.046 căn hộ đã hoàn thành xây dựng; có 09 dự án với 2.127 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai theo thông báo của các Sở Xây dựng.

Đối với dự án nhà ở công nhân, đến nay đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 122 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 54.144 căn hộ, với tổng diện tích 2.710.000 m2. Đang tiếp tục triển khai 107 dự án với quy mô xây dựng khoảng 145.000 căn hộ, tổng diện tích 7,3 triệu m2.

Về lượng tồn kho bất động sản năm 2021 có giảm so với năm 2020. Tổng hợp đến cuối năm 2021, số lượng nhà ở đưa ra giao dịch trên thị trường nhưng còn tồn, chưa có giao dịch trong năm 2021 ước tính vào khoảng 2.286 căn hộ. Lượng tồn kho bất động sản năm 2021 ít hơn nhiều so với năm 2020 (năm 2020 khoảng 9.000 căn).

Lý giải về vấn đề này, Bộ Xây dựng đánh giá, nguyên nhân một phần do nguồn cung hầu hết các phân khúc bất động sản mới của thị trường đều hạn chế. Nhìn chung, các phân khúc như căn hộ bình dân, căn hộ trung cấp, nhà ở riêng lẻ và đặc biệt là đất nền đều được hấp thụ tốt và tính thanh khoản cao, hầu như không phát sinh tồn kho. Lượng tồn kho bất động sản chủ yếu tập trung vào phân khúc căn hộ, nhà ở cao cấp, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và đặc biệt là đối với các dự án ở vị trí có điều kiện hạ tầng không thuận lợi.

Theo Bộ Xây dựng, năm 2021 là năm có nhiều khó khăn của kinh tế Việt Nam với những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Thị trường bất động sản chịu ảnh hưởng nặng nề, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, hàng loạt dự án phải tạm dừng xây dựng. Mặc dù nền kinh tế có sự giảm phát do ảnh hưởng của đại dịch nhưng giá bất động sản, nhà ở, đất nền vẫn liên tục tăng từ đầu năm.

Theo thống kê kê, tính đến cuối năm 2021, giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân khoảng 5–7%; giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15-20%; giá đất nền tăng 20-30% so với thời điểm cuối năm 2020. Đặc biệt, tại thời điểm cuối quý I đầu quý II/2021 đã xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến, thậm chí “sốt giá” đất nền tại một số địa điểm ở một số địa phương vùng ven Thủ đô Hà Nội như Quốc Oai (tăng 20%), Ba Vì (45%), một số điểm thuộc các tỉnh Hòa Bình (tăng 46%), Bắc Ninh ( tăng 20%), Hưng Yên ( tăng 26%) và ngoài ra, có nhiều nơi như Thanh Hóa, TP. Thủ Đức, huyện Cần Giờ của TP. Hồ Chí Minh; TP. Biên Hòa, các huyện Nhơn Trạch và Long Thành của tỉnh Đồng Nai,…cũng ghi nhận hiện tượng giá đất nền tăng rất nhanh trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, hiện tượng tăng giá đất nền nóng cục bộ cũng nhanh chóng hạ nhiệt sau khi Chính Phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường có các văn bản chỉ đạo để chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các thông báo cảnh báo cũng như công khai các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất trên địa bàn. Như thông tin quy hoạch sân bay Tec-nich tại Bình Phước, quy hoạch hành chính huyện Thủy Nguyên tại Hải Phòng, điều chỉnh bảng giá đất tại TP.Đà Nẵng,…

Trước những diễn biến mới của thị trường Bộ Xây dựng cho biết, đến nay, theo báo cáo của các địa phương thì hiện tượng tăng giá đất nền đã hạ nhiệt, nguy cơ xảy ra “bong bóng” bất động sản là khó xảy ra.