Khủng hoảng nợ của tập đoàn bất động sản hàng đầu Trung Quốc Evergrande làm gia tăng nỗi lo về một cuộc khủng hoảng tài chính của Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, và xa hơn là châm mồi cho một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Việt Nam với vai trò là một nước láng giềng, có quan hệ thương mại sâu rộng với Trung Quốc, và là nền kinh tế có độ mở cao. Bởi vậy, có không ít nhà đầu tư đặt vấn đề về một cuộc khủng hoảng tương tự với các ông lớn bất động sản Việt, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn từ dịch bệnh.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cho biết, nếu áp dụng bộ tiêu chí “3 lằn ranh đỏ” của Trung Quốc với 69 công ty bất động sản đang niêm yết của Việt Nam thì có tới 77% doanh nghiệp sẽ vi phạm một trong 3 tiêu chí.
Theo ông Thuân, mức độ đòn bẩy của các đơn vị bất động sản Việt Nam khá tương đồng với doanh nghiệp Trung Quốc (nợ vay ròng/vốn chủ đều khoảng 0,6 – 0,7 lần) tuy nhiên có điểm khả quan hơn là khả năng trả lãi của doanh nghiệp Việt được đánh giá tốt hơn nhiều; Mặt bằng tỷ suất lợi nhuận gộp của ngành bất động sản Việt Nam hiện cũng gấp đôi Trung Quốc.
Tuy nhiên, Chủ tịch FiinGroup vẫn cho rằng, sự kiện Evergrande và thị trường bất động sản Trung Quốc gần đây cần phải là bài học chính sách với Việt Nam về nắn chỉnh sự phát triển của tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp.
Ở một góc nhìn tương tự, TS. Lê Xuân Nghĩa lưu ý hiện tượng Evergrande có thể là một bài học lớn. “Việt Nam hiện có một số ngân hàng cổ phần cho vay các doanh nghiệp bất động sản liên quan, cho vay lĩnh vực bất động sản quá lớn. Khi các doanh nghiệp bất động sản gặp vấn đề rất có thể sẽ tạo ra khó khăn thanh khoản cho các ngân hàng thương mại, đặc biệt là những ngân hàng yếu kém. Cho tới thời điểm hiện tại, đã có ít nhất 4 doanh nghiệp ở Việt Nam cần phải có những hồi chuông cảnh báo”, ông Nghĩa nói.
Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV lại đánh giá: “Không cần quá lo ngại về rủi ro của thị trường bất động sản Việt Nam ở thời điểm hiện tại vì vẫn trong tầm kiểm soát”.
Cụ thể, theo TS. Cấn Văn Lực, hiện tín dụng bất động sản (cả cho vay mua nhà ở và đầu tư, kinh doanh bất động sản) vẫn ở mức vừa phải, thậm chí thấp so với khu vực; Thị trường bất động sản chỉ đang gặp khó khăn ngắn hạn do cú sốc chung của dịch bệnh; Lượng TPDN bất động sản chưa quá lớn, trong tầm hệ số đòn bẩy tài chính cho phép và đa số các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực phát hành.
Theo thống kê, TS. Cấn Văn Lực cho biết tính đến hết quý 2/2021, nguồn vốn tín dụng bất động sản chỉ tăng khoảng 5,1% (thấp hơn tăng trưởng tín dụng toàn ngành). Tổng dư nợ tín dụng bất động sản khoảng 1,9 triệu tỷ VND, chiếm 19% tổng dư nợ toàn nền kinh tế; trong đó, cho vay nhà ở chiếm 64% (1,22 triệu tỷ đồng), còn lại là tín dụng kinh doanh bất động sản, chiếm khoảng 36% (0,67 triệu tỷ đồng).
Phát hành trái phiếu 8 tháng 2021 toàn thị trường đạt 309 nghìn tỷ đồng. Trong đó doanh nghiệp bất động sản xếp thứ 2 sau nhóm ngân hàng với khối lượng phát hành khoảng 108 nghìn tỷ đồng (chiếm 35%); Huy động từ thị trường cổ phiếu chưa nhiều (81 doanh nghiệp bất động sản niêm yết, vốn hoá 1.257 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 16% tổng vốn hoá thị trường).
Theo đó, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh, về cơ bản tín dụng bất động sản vẫn trong tầm kiểm soát, tuy nhiên thời gian tới khối doanh nghiệp này cũng cần đa dạng hóa nguồn vốn khi hiện nay vẫn phụ thuộc chủ yếu vào vốn ngân hàng.