Nghị lực đáng khen của ứng viên từng giảm 25 ký chỉ trong 1 năm
Tập 9 Cơ hội cho ai là cuộc đối đầu của cặp đôi ứng viên Trần Quý Hoài, 29 tuổi, cử nhân ngành Quản trị Du lịch – Khách sạn, viện Đại học Mở Hà Nội. Nam ứng viên đạt những thành tích trong quá trình làm việc như: Đạt lợi nhuận cao nhất phòng Kinh doanh Thị trường châu Á trong hơn một năm từ tháng 4/2018 đến tháng 5/2019, phát triển từ vị trí Tư vấn viên Du lịch lên Quản lý Kinh doanh cấp cao tại một tập đoàn lớn nhất trong nước chỉ trong vòng 1,5 năm.
Ứng viên còn lại là Vũ Sĩ Hưng, 27 tuổi, kỹ sư viễn thông – Đại học Bách Khoa TP.HCM. Nam ứng viên có 4 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực buôn bán lẻ (Retail/Wholesale) và vận hành bán lẻ trang sức, thời trang, tiêu dùng nhanh (FMCG).
Chủ đề phản biện để thử thách khả năng tư duy, lý luận của cặp đôi ứng viên là “Bạn có đồng tình với quan điểm ‘Rủi ro càng cao, lợi nhuận càng lớn’?”
Là người đưa ra ý kiến trước, Quý Hoài hoàn toàn đồng ý với quan điểm mà chương trình đặt ra. Theo anh, chấp nhận rủi ro lớn thì thành công của chúng ta sẽ lớn hơn rất nhiều. Mặt khác, nam ứng viên cũng cho rằng, nếu cứ đầu tư là thành công, thì ai trong xã hội này đều sẽ đi đầu tư cả, dẫn đến nhiều công việc không có người làm, xã hội dần mất đi sự cân bằng, trật tự. Bản thân anh trong suốt gần 8 năm đi làm, chưa bao giờ bỏ tiền đầu tư vào một công ty, hoặc một kênh nào cả. Thay vào đó, anh đầu tư vào kiến thức cho chính bản thân mình. Nam ứng viên cũng chia sẻ từng sở hữu cân nặng 90 ký và quyết tâm giảm 25 ký chỉ trong vòng một năm để các sếp hiểu hơn về nghị lực, sự quyết tâm cũng như tính cách chấp nhận thử thách của mình.
Trái ngược với quan điểm của đối thủ, Sĩ Hưng cho rằng: “Mình hoàn toàn có thể đạt lợi nhuận cao ngay cả khi rủi ro thấp. Mình cân đo đong đếm những rủi ro có thể xảy ra trong một dự án đầu tư và tìm cách cải thiện, thay đổi hoặc xóa bỏ, đưa rủi ro về bằng 0. Đồng ý là mọi thứ không lý tưởng, nhưng mình hoàn toàn có thể giảm thiểu tối đa rủi ro để mang lại lợi nhuận cao nhất. Nhờ những việc khó như vậy, mình mới tạo ra được giá trị của mình”.
Còn trước câu hỏi của Sếp Thông: “Rủi ro lớn nhất trong cuộc đời mà bạn dám nhận là gì?”, ứng viên Quý Hoài tâm sự việc đến với chương trình là rủi ro lớn nhất trong sự nghiệp của anh tính đến thời điểm hiện tại. Quý Hoài đã lập gia đình ở Hà Nội và có một con chỉ hơn một tuổi. Khi vào TP.HCM ghi hình, anh cũng xác định nếu có nhận được việc tại đây thì anh sẽ chấp nhận xa vợ con một thời gian, hoặc mang cả gia đình vào Nam. Mặt khác, công việc hiện tại của anh khá tốt, có cơ hội phát triển bản thân tốt, tuy nhiên anh vẫn chấp nhận từ bỏ cơ hội tốt đấy để theo đuổi một cơ hội tuyệt vời khác.
Bên cạnh đó, ứng viên cũng chia sẻ có ba loại hình mà anh sẽ luôn theo đuổi trong tương lai, nói một cách dân dã là ăn chơi, ăn mặc và ăn uống. Hơn 10 năm qua anh đã làm du lịch là ăn chơi. Nên trong tương lai, anh muốn theo đuổi công việc thuộc lĩnh vực ăn mặc và ăn uống.
Kết thúc vòng Đối mặt, Quý Hoài giành chiến thắng trước Sĩ Hưng với điểm số 5/7, đầy đủ điều kiện để bước tiếp vào vòng trong – Chinh phục.
Quyết tâm của ông bố 1 con và màn chốt lương 26 triệu đồng
Ở vòng Chinh phục, sếp Trí là người đầu tiên đặt câu hỏi dành cho ứng viên: “Một trong những công việc mà em có khả năng làm tốt là đào tạo. Tại sao em có nghĩ em có thể làm tốt việc đấy và đào tạo ở đây cụ thể là gì?”
“Ban đầu em không biết mình có khả năng về đào tạo, mãi cho đến khi em 23 tuổi, em làm tuyển dụng, chịu trách nhiệm đào tạo, huấn luyện họ buổi đầu tiên khi họ mới nhận việc. Em cảm thấy đó là công việc mà em thích thú ngoài công việc chuyên môn của mình. Đào tạo là cách chúng ta nói sau khi chuẩn bị thông tin, hiểu đối tượng mà chúng ta muốn đào tạo. Em nghĩ là em đủ khả năng để đảm nhiệm vai trò này” – Quý Hoài chia sẻ.
Sếp Bình đặt thử thách cho ứng viên: “Với kinh nghiệm trước đây của em, đứng trước các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền thông – quảng cáo như Goldsun thì em nghĩ mình sẽ có khó khăn gì và vượt qua như thế nào?”
Khẳng định bản thân sẽ gặp nhiều thách thức ở một lĩnh vực mới, cũng là điểm yếu – truyền thông, Quý Hoài cho biết anh sẽ dành ra từ ba đến sáu tháng để ngấm tất cả những gì cần hiểu. Và để cải thiện điểm yếu của mình, anh chia sẻ quan điểm mà anh áp dụng từ một mô hình kinh doanh nổi tiếng trên thế giới. “Nếu chúng ta không tốt hơn thì phải rẻ hơn. Nếu chúng ta không tốt, không rẻ, thì phải nhiều hơn. Nếu chúng ta không có cả ba cái trên thì phải nhanh hơn. Mà nếu tất cả chúng ta đều không có thì dịch vụ của chúng ta phải tốt hơn. Nếu chúng ta để ý đến dịch vụ, chăm sóc tốt, không phải lần này, thì những lần sau, sau nữa, khách hàng cũng sẽ sử dụng sản phẩm của chúng ta” – Ông bố một con cho biết.
Sếp Dũng tiếp lời đồng đội ghế “nóng”: “Nếu chuyển sang xuất khẩu thì em có làm việc được không?”
“Đó là định hướng công việc mà em muốn làm. Em cảm thấy thoải mái khi nói chuyện với đối tác quốc tế. Em là người có tư tưởng rất mở, bạn bè của em hầu hết là người nước ngoài, như Singapore, Malaysia, Indonesia” – Ứng viên cho biết.
Sếp Dũng hỏi xoáy để thử thách: “Mặt hàng gia vị của Dh Foods muốn xuất khẩu sang Malaysia thì làm thế nào?”
Quý Hoài cho rằng các nước như Malaysia, Indonesia có những gia vị cay nồng đặc trưng của nước họ. Nhưng con người luôn muốn thử những cái mới, nên Dh Foods hoàn toàn có thể educate khách hàng bằng những sản phẩm gia vị truyền thông của Việt Nam. Không chỉ tại Malaysia mà còn nhiều nước khác tại châu Á cũng có thể áp dụng phương pháp này.
“Cách tiếp cận thị trường của em như thế nào và nước nào em sẽ ưu tiên đối với sản phẩm gia vị, hoặc đặc sản vùng miền Việt Nam” – Sếp Thuấn chất vấn.
“Thị trường châu Âu và Mỹ luôn là thị trường tiềm năng của gia vị. Thứ nhất, hành vi tiêu dùng của người châu Âu, Mỹ đang thay đổi dần, họ rất thích đồ ăn châu Á. Thứ hai là ở những nước đó, chúng ta có cộng đồng người Việt rất lớn, họ luôn nhớ về hương vị quê hương. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên chú ý đến những thị trường khác tại Đông Nam Á, thậm chí là Ấn Độ. Thị trường gần chúng ta hơn thì sẽ thuận lợi hơn trong những chính sách xuất khẩu” – Nam ứng viên 29 tuổi khẳng định.
“Kênh tiếp cận thị trường của em là gì?” – Sếp Bảo Ngọc tiếp tục đặt câu hỏi.
“Ngoài kênh offline truyền thống, kênh đối tác Co-operate, thì kênh digital marketing cũng là một lựa chọn” – ông bố một con trả lời.
Sếp Thông nhận xét: “Anh có thể cảm nhận sự quyết tâm của em. Vậy thì phần thưởng mà em muốn nhận được trong 5 năm tới cho sự nghiệp của em là gì?”
“Em muốn là Giám đốc Kinh doanh và Marketing trong 5 năm tới. Và em sẽ gắn bó với vị trí này trong 5 năm. Đến khi em 39 tuổi, em sẽ tập trung phát triển cho doanh nghiệp và sứ mệnh của mình, là giúp đỡ được một nghìn người xung quanh” – Quý Hoài trải lòng.
Chưa thực sự cảm thấy hài lòng với câu trả lời của ứng viên, sếp Thông đã nhấn đèn đỏ từ chối tuyển dụng ngay sau đó.
Kết thúc vòng Chinh phục, Quý Hoài nhận được 4 đèn xanh từ các sếp và bước đến vòng Cơ Hội Cho Ai để đi đến chốt thương lượng chung cuộc.
Mức lương kỳ vọng của Quý Hoài là 25 triệu đồng. Trước 4 lời mời đầu quân, Quý Hoài đã quyết định đầu quân về Bảo Ngọc (BNA) cho vị trí Phụ trách Kinh doanh Quốc tế ngành Chế biến Nông sản với mức lương 26 triệu đồng.