Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – kết thúc ngày 9/2 theo giờ Việt Nam giảm 0,094%, trong đó euro tăng 0,12% so với USD lên 1,1428 USD.
Lợi suất trái phiếu giảm của Mỹ giảm, trong khi lợi suất trái phiếu Đức kỳ hạn 2 năm tăng vọt đã giúp đẩy euro tuần qua tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 năm, và hiện vẫn đang duy trì sức mạnh. Lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm khỏi mức cao nhất 27 tháng, là 1,97%.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), bà Christine Lagarde hôm thứ Hai (7/2) đã ‘xoa dịu’ các thị trường sau khi tuần trước đưa ra những tuyên bố mang giọng điệu ‘diều hâu’ k hiến các nhà đầu tư dấy lên kỳ vọng ECB sẽ tịnh tiến thời điểm tăng lãi suất từ năm 2023 lên 2022 để chống lạm phát đang quá nóng.
Chính sự thay đổi lớn trong tuần qua về dự báo chính sách của các ngân hàng trung ương, đặc biệt là ECB, đã làm giảm đà tăng gần đây của đồng USD.
Alvise Marino, giám đốc chiến lược tiền tệ của Credit Suisse, cho biết những tín hiệu về chính sách thắt chặt tài khóa và tiền tệ của Mỹ hiện đang lan sang các ngân hàng trung ương khác, mang lại sự ổn định cho đồng USD, thay vì động thái tăng giá như trước đây.
Theo kết quả khảo sát của Reuters, các nhà kinh tế và nhà phân tích ước tính chỉ số CPI của Mỹ tháng 1 là 0,5% so theo tháng và 7,3% so theo năm.
Ông Marino cho biết: “Thị trường có khả năng phản ứng mạnh mẽ hơn trong trường hợp chỉ số CPI mang đến bất ngờ theo hướng thấp hơn dự đoán, hơn là trường hợp bất ngờ vì chỉ số lạm phát mạnh hơn dự đoán”.
Ông nói: “Kỳ vọng vào thời điểm này là theo chiều hướng lạm phát cao liên tục”, “Một điều gì đó đi theo hướng ngược lại sẽ đại diện cho một sự thay đổi lớn.”
Chủ tịch Bundesbank, Joachim Nagel, trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Đức Die Zeit hôm thứ Tư (8/2) cho biết ECB có thể tăng lãi suất trong năm nay do lạm phát đang cao hơn rất nhiều dự kiến và kéo dài chưa thấy hồi kết.
Cũng trong ngày thứ Tư, Chủ tịch Fed Atlanta, Raphael Bostic, cho biết nền kinh tế Mỹ có thể sắp đi đến bước ngoặt về lạm phát (lạm phát giảm sau nhiều tháng tăng), song ông cũng thêm rằng ông vẫn tin lãi suất năm nay sẽ tăng khá nhanh.
Trên thị trường Châu Á, baht Thái giảm nhẹ sau khi Ngân hàng Trung ương Thái Lan quyết định giữ nguyên lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch, trong khi hầu hết các đồng tiền châu Á khác ổn định trước khi Mỹ công bố dữ liệu lạm phát. Các nhà đầu tư Châu Á vẫn đang tìm kiếm thêm manh mối về tốc độ thắt chặt chính sách của Fed, mà dữ liệu về lạm phát là một trong những manh mối đó.
Đồng baht Thái sáng 9/2 tăng nhẹ, song giảm vào buổi chiều, kết thúc ngày ở mức giảm 0,12% sau khi Ngân hàng Trung ương Thái Lan, như dự kiến, giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục và cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ biến động đồng baht “đang biến động mạnh”.
Các nhà phân tích chứng khoán của Bank of America trong một lưu ý cho biết rằng ngân hàng trung ương Thái Lan có thể thấy việc duy trì một chính sách tiền tệ thích ứng là quá “ràng buộc” khi áp lực lạm phát gia tăng.
Đồng Rupiah của Indonesia cùng phiên tăng 0,24%, mức tăng mạnh nhất kể từ ngày 10/1, và cũng là mức tăng vượt trội so với các tiền tệ khác trong khu vực. Bộ trưởng Tài chính nước này mới đây cho biết nên giảm bớt kích thích tài khóa khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.
Mitul Kotecha, chiến lược gia cấp cao của TD Securities cho biết: “Trong khi lợi suất thực tế của Mỹ nếu tăng lên có thể sẽ hạn chế bất kỳ sự suy yếu nào của USD, chúng tôi tiếp tục cho rằng các đồng tiền châu Á sẽ hồi phục tương đối so với các đồng tiền G10 và các nền kinh tế mới nổi khác”.
Nhân dân tệ của Trung Quốc tăng mạnh trong phiên vừa qua so với USD, kết thúc phiên 9/2 tăng 42 pip lên 6,3618 CNY, nhưng dự báo đồng tiền này sẽ chịu áp lực giảm trở lại khi sự phân hóa ngày càng tăng về triển vọng chính sách tiền tệ của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này, dự kiến sẽ ảnh hưởng lớn đến tiền tệ Trung Quốc.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dự kiến sẽ tăng lãi suất vào đầu tháng tới, trong khi Trung Quốc được cho là sẽ cắt giảm lãi suất hơn nữa trong những tháng tới để hỗ trợ nền kinh tế đang chậm lại.
Kết quả là, chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu chính phủ Trung Quốc và Mỹ đã thu hẹp xuống mức thấp nhất trong 2,5 năm, có nghĩa là “dòng chảy ròng vào tài sản bằng đồng NDT dự kiến sẽ chậm lại”, Ken Cheung, chiến lược gia tại Mizuho Bank, cho biết. Ông dự đoán nhân dân tệ sẽ giảm giá trong suốt năm nay, xuống 6,5 CNY/USD.