Đại dịch COVID-19 và “màng lọc” FDI
Đầu tư nước ngoài (FDI) có vai trò quan trọng đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Đối với các nước đang phát triển, dòng vốn FDI đặc biệt quan trọng cho tăng trưởng và hội nhập kinh tế quốc tế, vì đây là ngoại lực bổ sung vốn, công nghệ, năng lực quản lý, khả năng kinh doanh, khả năng tổ chức và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã gây ra các hệ luỵ sâu sắc về kinh tế, xã hội, chính trị trên quy mô toàn cầu. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, diễn ra trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong khoa học công nghệ, an ninh. Chính vì vậy, các nước này đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường kiểm soát và thẩm định chặt chẽ đối với các dự án đầu tư nước ngoài, nhất là đối với các dự án mua bán và sáp nhập.
Trước đây, các nước phát triển đã mở cửa với đầu tư nước ngoài, trong khi các nước đang phát triển lại hạn chế do lo ngại về khả năng cạnh tranh còn yếu của các doanh nghiệp trong nước. Trong những năm gần đây các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển coi trọng việc tự do hóa chế độ quản lý đầu tư nước ngoài, với 63% các quy định ban hành mới giúp các công ty nước ngoài đầu tư dễ dàng hơn và chỉ có 14% các quy định mới gây khó khăn hơn.
Theo báo cáo của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) các nước phát triển đã ban hành 35 quy định mới nhằm kiểm soát chặt chẽ các dự án đầu tư nước ngoài, trong đó có tới 85% những quy định này gây khó khăn hơn với lý do nguy cơ đối với an ninh quốc gia về quyền sở hữu của nước ngoài đối với cơ sở hạ tầng quan trọng, công nghệ cốt lõi và các tài sản nhạy cảm trong nước. Các quy định mới đưa ra một số biện pháp bảo vệ doanh nghiệp trong nước trong thời kỳ đại dịch và một số biện pháp nhằm trực tiếp đến vấn đề an ninh quốc gia. Làn sóng này đã phủ khắp từ châu Âu, tới Vương quốc Anh, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ,…
Bức tranh FDI toàn cầu thay đổi
Theo báo cáo đầu tư năm 2021 của UNCTAD dịch COVID-19 đã làm thay đổi bức tranh đầu tư nước ngoài của thế giới. Dòng vốn FDI toàn cầu năm 2020 giảm 35% xuống còn 1.000 tỷ USD, trong đó FDI vào các nền kinh tế phát triển giảm 58% do các nước này đang tái cơ cấu doanh nghiệp và có nguồn tài chính ổn định.
FDI vào các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển giảm ít hơn, ở mức 8%, chủ yếu do chu chuyển vốn linh hoạt ở châu Á.
Năm 2020 các nền kinh tế đang phát triển chiếm 2/3 tổng vốn FDI toàn cầu, tăng so với mức gần 1/2 trong năm 2019. Theo khu vực địa lý, FDI giảm trên khắp thế giới, ngoại trừ châu Á.
Dòng vốn FDI giảm không đồng đều ở các khu vực đang phát triển, khu vực Mỹ Latinh và Caribê giảm tới 45%, khu vực châu Phi giảm 16%. Tuy nhiên dòng FDI chảy sang châu Á lại tăng 4%, khiến khu vực này chiếm một nửa tổng vốn FDI toàn cầu vào năm 2020. Dự kiến dòng vốn FDI toàn cầu sẽ chạm đáy vào năm 2021 và phục hồi một phần với mức tăng khoảng 10-15%.
Do dịch COVID-19, nhiều quốc gia phải đóng cửa biên giới đã làm trì hoãn các dự án đầu tư hiện có, bên cạnh đó do suy thoái kinh tế toàn cầu nên các doanh nghiệp đa quốc gia đã đánh giá lại các dự án mới. Sự thu hẹp tổng thể trong xúc tiến dự án mới, kết hợp với sự trì hoãn trong hoạt động mua bán và sáp nhập xuyên biên giới dẫn đến dòng vốn đầu tư cổ phần giảm hơn 50% là các nguyên nhân làm suy giảm đầu tư nước ngoài trong năm 2020.
Nếu FDI toàn cầu bị thu hẹp trong một thời gian dài, hậu quả đối với các nước đang phát triển sẽ rất nặng nề và nghiêm trọng bởi các nước này có danh mục dòng vốn FDI đa dạng và lợi ích tiềm năng của dòng vốn này rất lớn. Dòng vốn FDI không chỉ thúc đẩy doanh thu xuất khẩu ở các nước đang phát triển mà còn tạo ra nhiều việc làm, tác động tích cực hơn đến phát triển cơ sở hạ tầng, chuyển giao công nghệ đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất.
Theo báo cáo của UNCTAD, năm 2021 FDI toàn cầu phục hồi tương đối khiêm tốn do khả năng tiếp cận vaccine thấp, sự xuất hiện của các biến thể virus mới và các nền kinh tế chậm mở cửa trở lại.
Tuy vậy FDI của năm 2022 được dự báo tăng cao hơn và có thể trở lại mức năm 2019 là 1.500 tỷ USD do các quốc gia sẽ ưu tiên chính sách nhằm đẩy mạnh đầu tư để hỗ trợ phục hồi bền vững và toàn diện. Đặc biệt thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng và chuyển đổi năng lượng, đồng thời tăng cường tính tự chủ của nền kinh tế và chăm sóc sức khoẻ người dân.