Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – VPB) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2020. Theo đó, năm vừa qua ngân hàng tiếp tục thành công trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững và hiệu quả. Lợi nhuận của ngân hàng vượt kế hoạch, chất lượng tài sản tiếp tục được cải thiện, cơ cấu lại nợ và hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 có nhiều kết quả tốt.
Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2020, tổng tài sản của VPBank đạt hơn 419 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 11,1% so với cuối năm 2019. Tổng dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng hợp nhất đạt hơn 320 nghìn tỷ đồng, tăng 19%; trong đó ngân hàng riêng lẻ tăng 21,8%. Tổng huy động khách hàng và phát hành giấy tờ có giá hợp nhất đạt hơn 296 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 9,1% so với năm 2019. Tỷ lệ cho vay so với huy động (LDR) tại ngân hàng riêng lẻ được cân đối ở 73,1%, thấp hơn nhiều so với giới hạn 85% NHNN quy định.
Nắm bắt các cơ hội thanh khoản của thị trường trong năm 2020, ngân hàng đã linh hoạt điều tiết bảng cân đối và cơ cấu nguồn vốn, hoàn thành mục tiêu chiến lược giảm chi phí vốn (COF) được đề ra từ đầu năm. Riêng trong tháng 12/2020, COF của VPBank giảm được tới 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ngân hàng mẹ duy trì ở mức 15% trong cả năm 2020 so với mức 13% cuối 2019.
Với mục tiêu đa dạng hóa nguồn vốn, VPBank đã ký kết thỏa thuận với Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC cho khoản vay 100 triệu USD giúp tăng cường thanh khoản và tối ưu hóa nguồn vốn. Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) cũng tài trợ gói bổ sung trị giá 100 triệu USD để hỗ trợ VPBank mở rộng tài trợ thương mại và tài trợ vốn lưu động cho các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các SME, vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19.
Doanh thu (TOI) hợp nhất cả năm 2020 của VPBank đạt hơn 39 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 7,4%; trong đó riêng ngân hàng mẹ đạt gần 21 nghìn tỷ, tăng trưởng 18,6%. Thu nhập ngoài lãi (bao gồm thu nhập từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối, chứng khoán) tiếp tục là động lực tăng trưởng doanh thu của ngân hàng mẹ khi tăng trưởng cả năm 2020 đạt 27%. Tỷ trọng thu nhập ngoài lãi/tổng thu nhập hoạt động theo đó tăng lên từ 19% của năm 2019 lên 21%.
Chiến lược số hóa tiếp tục phát huy hiệu quả với doanh số giao dịch qua kênh ngân hàng điện tử tăng gấp 2 lần so với 2019. Việc kiểm soát tối đa chi phí kết hợp với áp dụng số hóa đã giúp chi phí hoạt động hợp nhất được kiểm soát giảm 7,7% so với 2019. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) hợp nhất giảm mạnh còn 29,2% so với 33,9% cuối 2019.
Nhờ vậy, lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2020 của ngân hàng đạt hơn 13 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 127,5% kế hoạch đề ra đầu năm, tăng trưởng 26,1% so với năm 2019; trong đó, lợi nhuận tại ngân hàng riêng lẻ đóng góp tới 71% vào lợi nhuận hợp nhất. Tại ngân hàng riêng lẻ, chỉ số tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) và tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) lần lượt đạt mức 24,6% và 2,2%.
Công tác quản trị rủi ro của VPBank tiếp tục khẳng định tính hiệu quả. Nợ xấu được kiểm soát tốt với mức hợp nhất đạt 2,9%; trong đó tại ngân hàng riêng lẻ lần đầu tiên nợ xấu xuống dưới 2%.
Song song với nỗ lực kiềm chế nợ xấu, năm 2020 VPBank tiếp tục tăng cường chủ động nguồn lực dự phòng. Chi phí dự phòng của cả năm 2020 hợp nhất tăng 15,2% so với năm 2019 (đã loại trừ khoản chi phí dự phòng cho VAMC của năm 2019). Tại ngân hàng riêng lẻ, tăng trưởng chi phí dự phòng đạt 27%.
Các tỷ lệ an toàn được duy trì ở mức tốt, trong đó tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được kiểm soát ở mức 28,4%, thấp hơn nhiều so với mức tối đa quy định là 40%. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng hợp nhất đạt trên 11% theo tiêu chuẩn Basel II, cao hơn mức quy định tối thiểu 8%.
Ngoài ra, thực hiện theo Thông tư 01 của NHNN, nhằm tháo gỡ khó khăn đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngân hàng đã hạ lãi suất cho gần 110 nghìn khách hàng với tổng dư nợ gần 52 nghìn tỷ đồng, trong đó mức lãi suất hỗ trợ giảm từ 0,05% tới 4,7%.